Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Từ ngày 17/10 đến ngày 19/10/2019 đã diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020 tại tỉnh Nam Định.

Gian hàng triển lãm sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang

Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị là Chương trình triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước diễn ra từ ngày 18/10 đến ngày 19/10/2019 (Lễ khai mạc chính thức vào chiều ngày 18/10/2019). Chương trình triển lãm được tổ chức và diễn ra trong hai ngày, nhìn lại thành tựu 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của một số bộ, ngành trung ương và của 63 tỉnh, thành phố; trưng bày, triển lãm, quảng bá, giới thiệu về các hàng hóa, dịch vụ là sản phẩm đặc sắc từ nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ về nhân lực, khoa học, công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp, nông thôn; các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trong các lĩnh vực, các hợp tác xã tiêu biểu.

Trong Chương trình Hội nghị, sáng ngày 18/10 các đại biểu thuộc các Bộ, Ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố đã đi tham quan thực tế về mô hình xây dựng xã nông thôn mới, khu dân cư, xóm nông thôn mới kiểu mẫu, mô hình bảo vệ môi trường gắn với công nghệ lò đốt bằng khí thiên nhiên… tại tỉnh Nam Định, tỉnh Hà Nam và tỉnh Thái Bình.


Các đại biểu đi tham quan thực tế mô hình “Xóm nông thôn mới kiểu mẫu” tại xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

Sáng ngày 19/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Tham dự Hội nghị tổng kết có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo của các Ủy ban của Quốc hội; Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các nhà khoa học; các điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới...


Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương chủ trì Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, theo nội dung báo cáo đánh giá: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau hơn 09 năm triển khai, đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước gần 02 năm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong quá trình triển khai có rất nhiều những bài học hay, gương tiêu biểu của nhiều địa phương và nhiều nhân tố góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của Chương trình. Đến nay, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn; đã có 08 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ); 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới... Chương trình hoàn thành trước gần hai năm so với chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao. Từ kết quả đó đã rút ra những bài học kinh nghiệm hết sức quan trọng:

Thứ nhất là, sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu thực sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt, thường xuyên thì sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét: Thực tiễn cho thấy, ở những nơi nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự tâm huyết, trách nhiệm, vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì xây dựng nông thôn mới đạt được cả mục tiêu về số lượng và đi vào chiều sâu chất lượng. Trong công tác chỉ đạo, điều hành xây dựng nông thôn mới, phải phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng ngành; đồng thời, nếu nhịp nhàng trong công tác điều phối chung, sẽ tạo sức mạnh tổng hợp. Bên cạnh đó, việc phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền các cấp đã tạo ra sức sáng tạo ở mỗi địa phương, trong đó, vai trò chỉ đạo, vào cuộc của chính quyền cấp huyện có ý nghĩa quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai là, phát huy vai trò tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phát động, tham gia hưởng ứng các Phong trào xây dựng nông thôn mới ở cơ sở: Việc phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định chính đến kết quả xây dựng nông thôn mới. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là kim chỉ nam cho quá trình xây dựng nông thôn mới bền vững. Đặc biệt, việc lấy ý kiến hài lòng của người dân khi xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã tạo ra hiệu ứng rất tốt trong xã hội, giúp chính quyền các cấp có cơ sở khi quyết định công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. bên cạnh đó, những vấn đề người dân chưa hài lòng, chính là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp đưa ra giải pháp, cam kết tiến độ xử lý để đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững.

Thứ ba là, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương về điều kiện tự nhiên và nhân lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới: Trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước có hạn, phải đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế (doanh nghiệp, tín dụng, đóng góp của nhân dân...), nguồn từ đấu giá quyền sử dụng đất.

Thứ tư là, đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, việc chú trọng kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp là một giải pháp quan trọng tạo nên thành công: Chính việc có bộ máy chuyên trách, chuyên nghiệp mạnh dạn nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách đủ mạnh đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng và hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Thứ năm là, thường xuyên tổng kết, bám sát thực tiễn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách và cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung trọng tâm, nhiệm vụ ưu tiên để tập trung chỉ đạo và nguồn lực thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh: Các địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả ban đầu. Phải luôn nhất quán, quan điểm xây dựng nông thôn mới là chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc. Đồng thời, yêu cầu các địa phương phát động, hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.

Cũng trong Chương trình Hội nghị, tối ngày 18/10 đã diễn ra Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020 và Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới’ giai đoạn 2020-2025./.

Trần Gia Lam/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục