Thanh âm ngày mới

Tiếng mõ trâu lốc cốc, lốc cốc vọng ra từ bìa rừng, lũng núi khiến người ta cảm được mùa no ấm đang về với các bản người Tày, người Nùng, người Dao xã Kim Quan (Yên Sơn). Đến các bản, câu chuyện làm giàu của bà con sôi nổi, nào là nuôi trâu, bò vỗ béo, nuôi gà đen, trồng chè, trồng rừng... Rồi chuyện tham gia xây dựng nông thôn mới cứ mãi rộn rã, thôi thúc người dân quê hương cách mạng xây đắp cuộc sống mới.

Đổi nếp nghĩ

Khi vạt sương sớm còn vương trên các triền rừng, người bản đánh trâu vào lũng. Tiếng mõ trâu lốc cốc như khua tan sự tĩnh lặng, người bản quen thuộc nên nhiều khi đi đâu thấy rất nhớ… tiếng mõ trâu. Ấy là anh Thèn Văn Chung, thôn Kim Thu Ngà bảo thế.

Chuồng chăn nuôi trâu vỗ béo của gia đình anh Thèn Văn Chung, thôn Kim Thu Ngà, xã Kim Quan (Yên Sơn).

“Uýt chà… đi nào…”, 5 giờ sáng, anh Thèn Văn Chung, thôn Kim Thu Ngà đánh đàn trâu nục nịch đi thành lối tiến về soi sông Đáy. Những triền cỏ xanh mướt cho đám trâu gặm thỏa sức no nê. Trong ký ức anh Chung còn vẹn nguyên những buổi chăn trâu, nắng mưa mặc kệ thời bé, bọn trẻ lẫm chẫm theo tiếng mõ trâu lần vào rừng. Thời đó, chủ yếu người dân trong xã nuôi trâu sinh sản, nuôi cả năm được con nghé, có nhà chăm kém đến hai ba năm mới cho một lứa. Hiệu quả kinh tế thấp. Rồi mọi người chuyển nuôi bò nhưng vẫn với cái cung cách đấy, bò gầy trơ xương, rất khó bán. Anh Chung tổng kết việc chăn nuôi trâu bò ngày trước chỉ biết dựa vào thiên nhiên, đồng cỏ cạn kiệt thì trâu bò hết cái ăn, các gia đình không biết tích trữ thức ăn từ sản phẩm phụ nông nghiệp, trâu bò chậm lớn, sinh sản hạn chế.

Thế nhưng chuyện giờ đã khác. Năm 2019, xã Kim Quan được Ban Tổ chức Trung ương Đảng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nếp nghĩ, cách làm của bàn con đã thay đổi hẳn. Anh Chung bảo, người Nùng ở đây trước giờ chỉ biết đưa con trâu vào lũng kiếm ăn thôi, giờ nuôi trâu vỗ béo thấy lạ. Nhưng mà làm cách này hay, bởi có sự kết hợp giữa người dân và hợp tác xã bảo đảm bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc. Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành đã đứng ra lo những việc đấy - Anh Chung cho biết.

Để phát triển chăn nuôi trâu theo chuỗi giá trị thì phải có tổ chức liên kết các hộ giúp nhau cách thức sản xuất. Vậy là Hợp tác xã chăn nuôi trâu Kim Quan hình thành, anh Chung được “phong” làm Giám đốc. Anh thấy lâng lâng, trước nay là nông dân thứ thiệt, giờ làm giám đốc nhưng giám đốc của nhà nông thì đó là vinh dự lớn - Anh Chung giãi bày. Bởi thế, anh nỗ lực lắm, nằm lòng kỹ thuật phối trộn thức ăn, bắt bệnh cho trâu, nhất là bệnh lở mồm long móng, bệnh đầy hơi để có cách xử lý kịp thời. Từ lúc chỉ nhận nuôi 2 con trâu, sau nuôi 3 tháng mỗi con lãi 5 triệu đồng/con, thế là anh nhận nuôi lên 10 con, giờ con nào con nấy béo núc.

Những lớp tập huấn do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện lúc nào cũng có sự góp mặt đầy đủ của người dân. Từ 7 hộ tham gia hợp tác xã, nhưng khi thấy anh Chung và nhiều người thu lãi cao, thế là người Nùng ở Kim Thu Ngà thích nuôi trâu lắm, giờ có 17 hộ nuôi là thành viên hợp tác xã. Sau từ 3 đến 4 tháng, hợp tác xã sẽ thu mua số trâu đã bàn giao. Từ thời điểm nhận nuôi đến thời điểm bán, chênh lệch về trọng lượng của trâu sẽ tương ứng với lợi nhuận người nuôi được hưởng. Từ 13 con trâu được nuôi đợt 1, trong đợt 2 này toàn xã đã có 55 con được chăn nuôi vỗ béo tập trung tại các thôn Kim Thu Ngà, Khuôn Hẻ, Khuôn Điển, Khuôn Quại và Làng Nhà.

Các hộ nuôi trâu thu lãi khá ai cũng phấn khởi. Điều quan trọng nhất là bà con được hưởng lợi, khi có lợi thì không phải tuyên truyền, vận động nhiều. Ông Sin Văn Chấn lúc đầu nuôi 4 con cũng đã nhân lên 10 con. Trưởng thôn Kim Thu Ngà Lù Văn Kim cũng nuôi 2 con, rồi đây ông sẽ nhận thêm để tăng đàn, nâng cao thu nhập. Ông Kim bảo, thôn có 146 hộ chủ yếu là người Nùng Xín Mần, Hà Giang về đây lập nghiệp hơn 40 năm rồi, tư duy cũ lắm. Cứ sống mãi với cái nghèo, khổ mãi thành quen. Chuyện làm giàu chả ai nghĩ đến, bởi ai cũng như ai cả. Thế nên, nông thôn mới là làm thay đổi tư duy cũ cho người dân, người Nùng Kim Thu Ngà thấy mình cần phải thay đổi. Chuồng trại làm cẩn thận hơn, như nhà giám đốc Chung đầu tư đến cả trăm triệu để làm chuồng nuôi quy củ. Nhà nào cũng được hỗ trợ làm chuồng nuôi, nhìn bọn trâu ăn no xong lăn ra ngủ mà đã cái mắt.

Chủ tịch UBND xã Kim Quan Long Đình Lương vui mừng cho biết, huyện Yên Sơn hỗ trợ 318 triệu đồng cho người dân trong xã xây dựng, sửa chữa 106 chuồng nuôi trâu đảm bảo vệ sinh môi trường; từ nguồn vốn Chương trình 135 và các nguồn vốn khác huyện hỗ trợ 86 tấn cỏ trị giá trên 300 triệu đồng cho người dân chăn nuôi gia súc. Tổng đàn trâu và bò toàn xã hiện có hơn 1.000 con, năm nay, xã phấn đấu có 150 con trâu vỗ béo bảo đảm hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.


Gia đình bà Hoàng Thị Sơn, thôn Khuôn Hẻ, xã Kim Quan (Yên Sơn) 
phát triển đồi rừng cho hiệu quả kinh tế cao.

Kim Quan bây giờ bạt ngàn rừng xanh thay cho những triền sắn cằn cọc. Năm 2010, phong trào trồng rừng tại xã phát triển mạnh, từ chỗ chỉ vài chục ha ở thôn Khuôn Điển, Làng Phát, bây giờ lên đến 1.200 ha, mở rộng đến các thôn Làng Hản, Khuôn Quại. Trung bình mỗi thôn có từ 30 đến trên 50 ha rừng. Trưởng thôn Khuôn Hẻ Đàm Văn Phòng cho biết, thôn có 99 hộ dân chủ yếu là người Mông, Dao, Pà Thẻn. Người dân bứt lên từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, họ nhìn ra thế mạnh từ rừng, từ chính đất đai để vươn lên. Bên ngôi nhà mới xây, ông Vy Văn Sỹ, bà Hoàng Thị Sơn ở thôn Khuôn Hẻ kể lại chuyện khó nhọc lần hồi từng bữa ăn. Không cam chịu cảnh đấy, vợ chồng ông quy hoạch lại đất đồi, thành khu trồng hồng không hạt với hơn 50 gốc, khu trồng keo 4 ha, trồng mỡ, trồng cây sưa, kế tiếp là khu ao nuôi cá trắm cỏ, cá rô phi đơn tính, cá chép. Bà Sơn bảo, đầu năm 2018, bán được mẻ gỗ thu hơn 100 triệu đồng là xây nhà đấy, trước chẳng bao giờ nghĩ sẽ có nhà ở khang trang thế này đâu.

Gia đình ông Bàng Minh Hạnh đưa cây chè lai giâm hom về trồng trên diện tích đất màu đồi của gia đình vào những năm 2000. Qua tham quan, học hỏi cách trồng, chăm sóc giống chè PH1 để nhân lên trên đất vườn của gia đình với 1 ha. Đây là giống chè thích nghi với nhiều địa hình canh tác, năng suất cao và đặc biệt là giá trị kinh tế tăng gấp 2 - 3 lần so với giống chè truyền thống. Chỉ sau 1 thời gian ngắn, toàn bộ diện tích chè của gia đình ông đã bắt đầu cho thu hoạch. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu hoạch 15 tấn chè búp tươi, thu về 140 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông có 7 ha chè, trong đó có 1 ha chè Ngọc Thúy, còn lại là chè PH1. Cùng với đó là 3 ha hồng không hạt; rừng keo, rừng mỡ bạt ngàn xanh mang lại cho gia đình ông khoản thu nhập khá.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, những người như anh Chung, ông Hạnh, bà Sơn còn nhiệt tình giúp đỡ bà con giống cây trồng, kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi, cây trồn, khơi dậy tinh thần thi đua lao động giỏi, chung sức cùng Kim Quan cán đích nông thôn mới.

Nông thôn đổi mới

Những con đường tỏa về các thôn trong xã Kim Quan được láng mịn bê tông mang những tên mới “Đoạn đường tự quản vệ sinh, xanh, sạch, đẹp”, “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”. Người dân tự sắp xếp, bố trí lại khuôn viên nhà ở, ba công trình vệ sinh cũng được cải thiện hơn.


Đoạn đường tự quản tại các thôn của xã Kim Quan (Yên Sơn).

Trong năm nay, xã đã lắp 18 bể bioga tại thôn Khuôn Quại, Khuôn Điển, 31 bể bê tông chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 40 bể chứa và xử lý rác thải sinh hoạt, 347 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 221 hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo đúng quy định. Ông Long Đình Lương, Chủ tịch UBND xã Kim Quan chia sẻ, ngay từ đầu năm 2019, huyện chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với UBND xã rà soát, đánh giá các tiêu chí chưa đạt. Từ đó, lên kế hoạch phân công cán bộ, công chức phụ trách các tiêu chí chưa đạt, giúp đỡ hộ nghèo, xóa nhà tạm dột nát, giúp dân phát triển kinh tế, thực hiện các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập. Đời sống của bà con đã được cải thiện hơn, ai cũng phấn khởi tự nguyện đóng góp ngày công, vật liệu xây dựng trị giá 360 triệu đồng để hoàn thành 2,21 km đường nội đồng, 4,77 km đường liên thôn, 1,4 km đường trục thôn, đường ngõ xóm. Mới đây, con đường dài 984 m từ thôn Khuôn Điển đi thôn Khuôn Quại, 4,77km đường từ thôn Làng Hản đi thôn Khuổi Phát cũng đã được hoàn thành.


Ngôi nhà mới xây của gia đình bà Hoàng Thị Sơn, thôn Khuôn Hẻ, xã Kim Quan (Yên Sơn).

Để hoàn thành tiêu chí thu nhập đạt 33 triệu đồng/người/năm, xã tạo điều kiện để các hợp tác xã, công ty phát triển đàn trâu vỗ béo, trồng ngô ngọt, hồng không hạt, chăn nuôi gà đen, bò sinh sản. Đối với 201 hộ nghèo, xã phấn đấu giảm trên 100 hộ trong năm nay. Từ xã hội hóa, các cơ quan đơn vị đã hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng cho 180 hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, các ngân hàng giải ngân 2,4 tỷ đồng cho các hộ vay vốn.

Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Kim Quan và tiến hành khảo sát, đánh giá mô hình nuôi trâu vỗ béo, trồng ngô ngọt và làm nhà ở cho hỗ nghèo. Gặp các đồng chí lãnh đạo tỉnh, bà con nơi đây bày tỏ niềm phấn khởi, sự biết ơn khi được hưởng lợi từ Chương trình xây dựng nông thôn mới của Trung ương, của tỉnh. Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi trâu Kim Quan Thèn Văn Chung đã giới thiệu với lãnh đạo tỉnh về quy trình nuôi trâu như một chuyên gia. Anh hứa với lãnh đạo tỉnh, trên cương vị làm giám đốc sẽ giúp bà con tận dụng tốt sản phẩm từ nông nghiệp chế biến thức ăn phối trộn cho trâu ăn, hạn chế nhập thức ăn để giảm chi phí, tăng lãi suất. Rồi đây, Kim Quan trở thành điển hình của huyện, tỉnh về phong trào nuôi trâu vỗ béo, nhà nhà làm giàu từ nuôi trâu…

Phóng sự: Thùy Linh/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục