Đổi thay ở xã nông thôn mới nâng cao

Những con đường trải dài thênh thang, những ngõ nhỏ đều được bê tông hoá, những ngôi nhà ngập tràn sắc màu của cỏ cây hoá lá, những mô hình kinh tế hiệu quả - đó là những hình ảnh dễ dàng bắt gặp khi tới xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương - một vùng quê xuất phát điểm thấp, giờ đây đang từng bước bứt phá vươn lên với nhiều khởi sắc. Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Sơn Nam đang tiếp tục nỗ lực để gìn giữ, duy trì và phát huy các tiêu chí.

Năm 2021, địa phương được chọn xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, cấp uỷ, chính quyền và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao xã Sơn Nam đã xây dựng kế hoạch, phân công và xác định thực hiện các công việc theo thứ tự ưu tiên với các giải pháp cụ thể; bảo đảm yêu cầu của từng tiêu chí, nhất là tiêu chí chưa đạt, tiêu chí cần hoàn thiện và tiếp tục giữ vững tiêu chí đã đạt; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức xã, cá nhân tham gia để triển khai các nhiệm vụ tới Nhân dân một cách hiệu quả nhất.

Trong 19 tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao, Sơn Nam xác định xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn là quan trọng thể hiện sự đổi thay cả về diện mạo và cũng như chất lượng cuộc sống của Nhân dân, do đó xã tiến hành chỉnh trang nâng cấp đường giao thông lên một mức cao hơn; khi đạt chuẩn nông thôn mới hầu hết các con đường của địa phương đều đã được cứng hoá, nhưng để đáp ứng yêu cầu của xã nông thôn mới nâng cao, những con đường này cần đảm bảo rộng hơn, đẹp hơn, chính vì thế xã đã tuyên truyền vận động Nhân dân trồng hoa, cây xanh, thường xuyên vệ sinh để cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Năm 2021, xã thực hiện bê tông hóa 9km đường trục xã, 20km đường trục thôn, 52,4km đường ngõ xóm và 5,2km đường nội đồng; kiên cố hóa trên 30km kênh mương, 25 công trình thủy lợi, gồm 23 hồ chứa và 2 trạm bơm điện hoạt động tốt, phục vụ tưới cho diện tích hơn 428 ha lúa và cây trồng. Toàn xã hiện có 10 trạm biến áp với tổng kinh phí thực hiện 2,5 tỷ đồng. Các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp, đồng bộ phù hợp với quá trình phát triển của xã.

Diện mạo nông thôn mới ở xã Sơn Nam 

Tiêu chí thu nhập là một trong những tiêu chí khó, việc thực hiện đòi hỏi sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và sự đồng lòng nỗ lực của chính người dân. Đây chính là yếu tố quyết định, nhằm tạo ra tiềm lực kinh tế vững chắc, từ đó thúc đẩy quá trình đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, do vậy những năm qua Đảng uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các HTX trên địa bàn đã tìm nhiều giải pháp đổi mới quy trình canh tác cũng như xây dựng và nhân rộng các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Xã tiến hành quy hoạch đất trồng cây thanh long ruột đỏ tại thôn Cây Cọ, giá trị sản xuất hàng năm đem lại nguồn lợi không nhỏ cho người dân. 

Để đa dạng nguồn thu nhập, xã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia học nghề, tư vấn việc làm tại các công ty trong nước và xuất khẩu lao động; mở rộng các cửa hàng kinh doanh thương mại, dịch vụ; phát triển vùng sản xuất thành hàng hóa tập trung, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã áp dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đầu tư thâm canh diện tích nhãn ghép, cải tạo các giống nhãn chất lượng cao, phát triển đàn ong lấy mật, đầu tư thâm canh cây lâm nghiệp, đăng ký cấp chứng chỉ FSC, triển khai nhân rộng các dự án phát triển. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,3 triệu đồng/người/năm; đến tháng 12/2021 thu nhập bình quân đạt 43,65 triệu đồng/người/năm.

Mô hình trồng cây thanh long ở thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam. 

Chất lượng môi trường sống được Sơn Nam đặc biệt quan tâm, đến nay xã đã đáp ứng được tiêu chí này với trên 65% số hộ sử dụng nước sạch; 100% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; trên địa bàn xã có 1 đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung với 70,56% lượng chất thải sinh hoạt phát sinh. Rác thải sinh hoạt được thu gom, lưu giữ đảm bảo vệ sinh môi trường và chuyển đến các địa điểm tập kết, đúng quy định. Đối với các hộ gia đình, cá nhân sinh sống độc lập, không nằm trên tuyến thu gom tập trung tiến hành tự xử lý rác thải tại nguồn bằng phương pháp đào hố chôn lấp, không xảy ra tình trạng đổ, vứt rác thải không đúng nơi quy định; 100% số thôn có hoạt động cải tạo cảnh quan môi trường thường xuyên đảm bảo đường làng, ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp và có đèn đường chiếu sáng trên các tuyến đường.

Về tiêu chí nhà ở dân cư, đến nay trên địa bàn xã không còn hộ gia đình ở nhà tạm, nhà dột nát, chất lượng nhà ở đã được nâng lên rõ rệt; nhiều nhà cao tầng kiên cố được xây dựng, không những thế người dân còn tạo cảnh quan cho ngôi nhà của mình bằng cách trồng hoa, trồng cây xanh bóng mát. Đến nay, số hộ gia đình có nhà ở đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Xây dựng là 2.578 hộ đạt 99%, một làng quê xanh đẹp yên bình khiến người dân ở đây thực sự hạnh phúc khi chứng kiến sự đổi thay hằng ngày.

Xác định công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn là nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân. Trong những năm qua xã đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề để nâng cao chất lượng lao động của xã, phối hợp tổ chức nhiều hội nghị giới thiệu việc làm cho lao động. Toàn xã có 5.404 người trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động, số lao động có việc làm là 5.188 người, đạt 96%.

Phiên giao dịch việc làm năm 2021 tại Trường THPT Sơn Nam 

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư của nhà nước, những năm qua Sơn Nam đã đầu tư xây dựng mới trường học, phòng học, các trang thiết bị dạy học cho nhà trường phục vụ cho công tác giảng dạy. Đến nay, trên địa bàn xã có 3 cấp trường học đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Các trường thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Lĩnh vực y tế được quan tâm đầu tư, Trạm Y tế xã được xây dựng khang trang đảm bảo đầy đủ chức năng, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Số người tham gia bảo hiểm y tế là 8.702 người, đạt gần 90%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi 18,5 %. Các chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho Nhân dân được triển khai hiệu quả.

Thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” được cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo, xã đã thành lập và ra mắt 23 tổ tự quản về an ninh trật tự tại 23 thôn, các tổ tự quản đều hoạt động tốt góp phần quan trọng trong giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở, tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế, ổn định.

Một góc thôn Quyết Thắng, xã Sơn Nam.

Sơn Nam hôm nay đã thực sự trở mình vươn lên mạnh mẽ, là luồng sinh khí mới từ chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, không chỉ mang lại diện mạo mới cho vùng quê này mà cuộc sống của người dân nơi đây đã sung túc, đủ đầy và hạnh phúc hơn nhờ chính sách phát triển kinh tế - xã hội được áp dụng dựa trên thực tế, cũng như thế mạnh của địa phương.

Bài, ảnh: Đinh Dương/sonduong.gov.vn

Tin cùng chuyên mục