Hành trình xây dựng nông thôn mới ở xã Tú Thịnh

Sau 10 năm kiên trì, bền bỉ, nỗ lực thực hiện, giờ đây nông thôn mới xã Tú Thịnh đã mang diện mạo mới và sức sống mới: Cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, sáng- xanh - sạch - đẹp; kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân cải thiện rõ rệt. Niềm vui đó càng được nhân lên khi Tú Thịnh được UBND tỉnh có Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là tiền đề để xã có những bước đi vững chắc trong giai đoạn mới.

Mười năm nỗ lực bền bỉ

Do xuất phát điểm thấp, năm 2011 khi bắt đầu triển khai thực hiện xã Tú Thịnh mới đạt 6/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới; đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo xã Tú Thịnh chiếm 25,66%; thu nhập bình quân đầu người 12,59 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp với quy mô nhỏ, lẻ; kết cấu hạ tầng còn kém đồng bộ và chưa hoàn chỉnh; việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế của người dân còn nhiều hạn chế, công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển. Bên cạnh đó, do đội ngũ cán bộ, công chức xã và ban lãnh đạo thôn còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng nông thôn mới, vì vậy khi triển khai, thực hiện các tiêu chí còn lúng túng, chưa đáp ứng được hết các yêu cầu đặt ra. Bằng những cách làm linh hoạt, sáng tạo, phát huy được vai trò chủ thể của người dân. Đến nay, xã Tú Thịnh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Làm đường bê tông ở xã Tú Thịnh

Là 1 trong 2 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2021 của huyện Sơn Dương, xã Tú Thịnh đã thực hiện quyết liệt các biện pháp, huy động mọi nguồn lực, phấn đấu về đích theo kế hoạch. Đến nay, 100% đường trục xã, đường liên thôn, trên 70% đường nội đồng được cứng hóa. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 55, năm 2020 của HĐND tỉnh đó là thực hiện tốt phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã Tú Thịnh đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân trong việc tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng, ngày công lao động, thiết bị phục vụ thi công, vật tư, vật liệu, tự tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượng.                   

Mô hình nuôi dê ở xã Tú Thịnh

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo hướng tập trung, kinh tế tập thể, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn xã có 5 hợp tác xã hoạt động hiệu quả và hơn 10 trang trại chăn nuôi, trồng trọt và tổng hợp. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và không ngừng nâng cao. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, hướng đến mục tiêu phát triển nông thôn bền vững. Ông Phạm Quý Cảo, Chủ tịch UBND xã Tú Thịnh cho biết: Đảng bộ, chính quyền xã Tú Thịnh đặc biệt quan tâm đến việc khuyến khích và tạo điều kiện để người dân trên địa bàn phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại và gia trại. Hàng loạt các dự án đầu tư hỗ trợ cho nông dân như: dự án nuôi trâu, nuôi lợn nái, lợn thương phẩm, dự án gà sinh sản, dê thương phẩm để mở hướng phát triển kinh tế cho người dân. Chăn nuôi gia súc đang là mũi nhọn trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở Tú Thịnh. Xã đã triển khai nhiều chính sách của tỉnh, huyện để hỗ trợ người dân mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp. 

Xã Tú Thịnh xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp hiệu quả, bền vững là hướng phát triển kinh tế quan trọng, xã tập trung nhiều giải pháp nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, trong đó việc quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng FSC là mục tiêu được địa phương thực hiện từ năm 2019. Với trên 1 nghìn ha rừng sản xuất chủ yếu trồng keo, sản lượng gỗ đạt bình quân từ 70 đến 80 mét khối/ha/chu kỳ. Đến nay, đã hoàn thành cấp chứng chỉ rừng FSC cho 1 nghìn 036,76 ha. Hàng năm, xã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Thông qua công tác trồng rừng đã góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, hoạt động phát triển kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn xã được mở rộng. Xã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia học nghề để làm việc tại các công ty trong nước và xuất khẩu lao động. Tú Thịnh là một trong những xã có nhiều lao động lao động đi làm tại các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh và các tỉnh thành phố trong nước.

Việc ban hành, thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 là hết sức cần thiết, tăng cường kết nối hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt, bảo đảm giao thông vùng sâu, vùng xa; việc xây dựng các cầu trên đường giao thông nông thôn nhằm kết nối các tuyến đường giao thông nông thôn với các tuyến trục chính trên địa bàn, từng bước xóa bỏ các điểm cách trở do suối, ngòi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại an toàn trong mùa mưa lũ và phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thương hàng hóa, kết nối liên vùng, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn tại địa phương.      

Tạo tiền đề hướng tới tương lai

Có thể nói qua hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tú Thịnh đã thực sự làm cho tư duy, nhận thức của người dân có sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, nhà ở, giữ gìn vệ sinh môi trường… thu nhập bình quân đầu người đạt trên 37 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2021 còn 22,27%. Riêng tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, đã vận động Nhân dân đóng góp xây dựng, cải tạo nâng cấp 13/13 nhà văn hóa thôn gắn với sân thể thao đảm bảo quy mô diện tích theo quy định và được đầu tư các trang thiết bị thiết yếu. 

 Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên, thu hút trên 35% người dân hưởng thụ và tham gia các hoạt động, sáng tạo văn hóa; tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 40%; hoạt động văn hóa vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi đạt 30% thời gian sử dụng trong năm. Kinh tế phát triển, cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư, các tiêu chí về giáo dục, y tế cũng được đánh giá cao và đạt so với yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng Trạm Y tế xã được xây dựng, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85%. Con em Nhân dân xã Tú Thịnh được học tập sinh hoạt trong những lớp học được xây dựng khang trang, tạo điều kiện cho các thầy cô giáo và các em học sinh về cơ sở vật chất để yên tâm giảng dạy, học tập nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

 Các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường, tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, sử dụng nước hợp vệ sinh đảm bảo 3 sạch. Phát huy sức mạnh, tinh thần đại đoàn kết, huy động tổng lực để xây dựng nông thôn mới. Xã Tú Thịnh được sự hỗ trợ tích cực về nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, huyện các tổ chức chính trị từ huyện tới cơ sở như Ủy ban MTTQ, Đoàn Thanh niên, LĐLĐ huyện, Hội Phụ nữ và huy động nội lực của Nhân dân cùng chung tay góp sức thực hiện từng tiêu chí, đưa xã Tú Thịnh về đích nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội vận động nhân dân xây dựng 3 công trình vệ sinh, dùng nước sạch, hợp vệ sinh, các cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường, tổ chức tập huấn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Hàng tháng, huy động lực lượng tổ chức ra quân vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, khu vực công cộng, khơi thông cống rãnh thoát nước, lắp đặt Camera giám sát tại các điểm trọng điểm về đổ rác thải. Tuyên truyền vận động các cơ quan, đơn vị, các thôn trên địa bàn tích cực trồng cây xanh tại các công sở, nhà văn hóa và các khu vui chơi để tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường.   

         Một góc thôn Tú Tạc, xã Tú Thịnh

 Nhìn lại một chặng đường trong quá trong quá trình xây dựng nông thôn mới, từ những vất vả lo toan và nhiều khó khăn bước đầu.... nhưng dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Sơn Dương, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, huyện đã phân công thành viên phụ trách cơ sở cùng tham gia theo dõi, đôn đốc, thực hiện nhiều nội dung công việc. Công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, giúp người dân nhận thức rõ hơn về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM. Thành công có được nhờ việc lấy dân làm gốc, coi người dân là chủ thể thực hiện và thụ hưởng những thành quả xây dựng NTM. Nhờ vậy, Nhân dân đã nhận thức rõ được lợi ích và tích cực tham gia xây dựng NTM trên quê hương bằng việc tham gia hiến đất, tài sản để xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Nguyên/sonduong.gov.vn

Tin cùng chuyên mục