Cuộc sống mới ở nông thôn mới

Tuyên Quang Xuân Đinh Dậu - Năm 2016 có 6 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới của tỉnh lên 16 xã. Diện mạo nông thôn tại các xã này đã có những thay đổi căn bản, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.


Vùng chè hàng hóa của nhân dân xã Mỹ Bằng (Yên Sơn).      Ảnh: Lê Duy

Một trong những lợi thế của các xã trong xây dựng nông thôn mới năm nay là sự ra đời của Nghị quyết 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025. Cùng với đó là Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Hai Nghị quyết trên được triển khai đồng bộ, đã tạo ra điểm tựa vững chắc để các xã tiếp tục hoàn thiện hạ tầng nông thôn. 

Xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) là một trong những xã cơ bản đã bê tông hóa toàn bộ trục chính đường nội đồng. Giai đoạn 2011-2015, xã đã hoàn thành gần 21 km, năm 2016 tiếp tục xây dựng 14,7 km tại 16/16 thôn của xã. Theo ông Vi Văn An, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, trên địa bàn xã hiện có gần 120 ha ruộng, nhưng có đến hơn 553 ha mía, việc bê tông hóa đường nội đồng đến tận chân ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cơ giới hóa các khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển... Vì thế, mặc dù năm 2016 chỉ được giao chỉ tiêu hoàn thành 13 km đường nội đồng, nhưng xã đã vượt kế hoạch đề ra. Đây cũng là tiêu chí cuối cùng giúp xã cán đích nông thôn mới. 

Gần 10 km trong tổng số 19,5 km đường nội đồng của xã Đức Ninh (Hàm Yên) đã được cứng hóa từ năm 2014. Hiện tại, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Đức Ninh đạt trên 90%, mức thu nhập bình quân của người dân đạt gần 23 triệu đồng/người/năm, đạt mức thu nhập tối thiểu đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc trong Bộ tiêu chí nông thôn mới. Đức Ninh cũng là một trong những xã đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chí cứng hóa đường nội đồng trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện xã đã có 57 hộ thực hiện mô hình nuôi lợn đen, lợn thịt hướng nạc; 85 hộ thực hiện mô hình nuôi gà thịt thả vườn, 36 hộ thực hiện dự án nuôi trâu cái sinh sản, 90 hộ thực hiện mô hình trồng cây đậu tương, rau vụ đông quy mô 40 ha. 

Xã Năng Khả và xã Côn Lôn huyện Nà Hang đã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cái khó của xã Côn Lôn khi bắt tay thực hiện là tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 41%, là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Để khắc phục điều này, Côn Lôn phát huy tinh thần đoàn kết, nội lực của chính các hộ dân, đồng thời triển khai đồng bộ các phong trào như trồng cây vụ đông, hỗ trợ vốn đầu tư vào chăn nuôi trâu bò, dê, lợn... Hiện xã còn 55 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,43%; mức bình quân thu nhập đạt 1,86 triệu đồng/người/tháng, tức 22,34 triệu đồng/người/năm. Xã cũng đã cứng hóa được 22,25 km đường giao thông nông thôn.


Nông dân thôn Ao Xanh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) thu hoạch lúa lai vụ xuân 2016
năng suất đạt 64 tạ/ha.                Ảnh: Phạm Duy

Trong khi đó tại xã Nhữ Hán, để cán đích nông thôn mới đúng thời gian, xã đã chọn nhóm tiêu chí thứ 3 làm khâu đột phá. Nhóm này chứa đựng 4 tiêu chí gồm thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm và hình thức tổ chức sản xuất. Nhờ thế, bình quân thu nhập của người dân Nhữ Hán hiện đạt trên 22,5 triệu đồng/người/năm. Hai yếu tố tạo ra kết quả trên chính là sự chuyển dịch lao động, người dân có việc làm và mở rộng mô hình sản xuất hàng hóa trên địa bàn. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân đã phát huy thế mạnh 4 con (bò, cá, lợn, gà), 2 cây (chè, lúa). Từ đó đã có mô hình trang trại chăn nuôi (bò, lợn, gà, cá) thu hút nhiều lao động địa phương và hình thành đội dịch vụ cung cấp nông sản ra thị trường TP Tuyên Quang, Phú Thọ và Yên Bái.

Tăng thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê, tại các xã nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đều đạt trên 22 triệu đồng/người/năm. Mỗi xã khi thực hiện tiêu chí này đều xây dựng các phương án cụ thể, phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã mình. Cụ thể, Ninh Lai, Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) tập trung vào chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ; từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang trang trại. Vinh Quang đa dạng ngành nghề nông thôn. Đức Ninh xây dựng các mô hình điểm về phát triển kinh tế, trọng tâm là chăn nuôi và trồng cây vụ đông...

Các xã Côn Lôn, Vinh Quang, Đức Ninh, Ninh Lai, Nhữ Hán, Lưỡng Vượng cán đích nông thôn mới với nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra sẽ là cơ sở để tỉnh ta phấn đấu đạt mục tiêu có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. 

Trần Liên - Duy Hùng

Tin cùng chuyên mục