Cần có giải pháp giữ vững các tiêu chí nông thôn mới

TQĐT - Hoàn thành đã khó, việc giữ vững và phát triển các tiêu chí nông thôn mới (NTM) còn khó hơn nhiều. Đây là mối lo chung đối với các xã đã và đang thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Người dân xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) phát triển trồng chè tăng thu nhập.

Hoàng khai (Yên Sơn) là 1 trong 10 xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM vào năm 2015. Anh Trần Văn Hoài, Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Khai cho biết, trong bộ tiêu chí xây dựng NTM thì tiêu chí vệ sinh môi trường hiện nay của xã đang là đáng lo ngại nhất. Bởi hiện nay UBND xã mới chỉ hợp đồng với Công ty môi trường vệ sinh đô thị Tuyên Quang và Hợp tác xã Thanh Bình thực hiện thu gom rác thường xuyên tại một số thôn là Chè Đen 1, Chè Đen 2. Còn tại các thôn Yên Khánh, Tân Quang… 10 ngày xe của công ty mới vào thôn để thu gom vận chuyển rác đến bãi rác.

Khoảng thời gian 10 ngày mới có xe của doanh nghiệp đến thu gom rác nên việc ùn ứ rác thải ảnh hưởng đến môi trường là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên xã đã tính đến việc rút ngắn thời gian thu gom rác từ 10 xuống 5 ngày thu 1 lần nhưng không thể thực hiện được vì người dân không đồng tình bởi chi phí quá cao, không có tiền để nộp. Đó là chưa kể đến việc ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi, hiện nay số lượng gia trại, trang trại chăn nuôi trên địa bàn đang được người dân đầu tư mở rộng. Việc xả chất thải chăn nuôi chưa được xử lý ra môi trường cũng là bài toán nan giải của địa phương.

Tại xã An Khang (TP Tuyên Quang) từ khi đạt chuẩn NTM xã luôn quan tâm đến việc duy trì và phát triển các tiêu chí, trong đó có tiêu chí thu nhập. Hiện tiêu chí thu nhập của xã vẫn được duy trì và phát triển ổn định. Tuy nhiên, theo quy định mới của Chính phủ trong thực hiện các tiêu chí NTM, đối với tiêu chí tăng thu nhập, trung bình thu nhập của người dân tại các xã đạt chuẩn NTM phải đạt 59 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.  Đây là một trong những vấn đề khó khăn khi xã chủ yếu làm nông nghiệp và việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp chưa đồng bộ; ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa chỉ một phần dẫn đến thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn thấp nên rất khó để có thu nhập tương đương tiêu chí đề ra.


Nông dân thôn Yên Khánh, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) trồng rau đậu vụ đông
cho thu nhập 6 đến 7 triệu đồng/vụ.

Đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM các huyện, thành phố, việc giữ vững tiêu chí NTM là nỗi lo chung của các địa phương khi giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ có nhiều thay đổi trong tiêu chí NTM như tiêu chí giảm nghèo từ 3% xuống còn 1%; tiêu chí thu nhập tăng lên 39 triệu đồng/người/năm đối với các xã đang xây dựng NTM và 59 triệu đồng/người/năm đối với các xã đã được công nhận NTM. Việc duy trì và phát triển các tiêu chí rất khó, đặc biệt là các tiêu chí có những điều chỉnh, thay đổi chuẩn theo từng năm, như tiêu chí về thu nhập, về chuẩn hộ nghèo, tiêu chí môi trường. 

Vì vậy, để hoàn thành và giữ vững các nội dung đã thực hiện được trong quá trình xây dựng NTM, rất cần sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, có giải pháp tháo gỡ khó của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, cùng với sự hưởng ứng tích cực của người dân để hoàn thành và duy trì phát triển các tiêu chí NTM. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thống kê, rà soát mức độ hoàn thành xây dựng NTM của từng xã để có những hỗ trợ, giải pháp phù hợp duy trì bền vững các tiêu chí. Các xã đã đạt được tiêu chí NTM cần phải đánh giá cụ thể về tình hình thực tế tại địa phương để có những kế hoạch thực hiện đạt hiệu quả cao. 

Bên cạnh đó, trong Bộ tiêu chí NTM vừa được Chính phủ ban hành giai đoạn 2016-2020, có 6 tiêu chí được thay đổi sẽ do UBND các tỉnh, thành phố quy định phù hợp với thực trạng tại địa phương, gồm: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, thông tin truyền thông, môi trường. Do vậy, Ban chỉ đạo NTM tỉnh cần sớm xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí mới phù hợp với tỉnh để các địa phương thực hiện.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục