Chuyển đổi số, xây dựng nông nghiệp thông minh đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới

Trong các giải pháp xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tuyên Quang xác định phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp… và các Doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) tác có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc liên kết các hộ dân đầu tư sản xuất áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm dưa chuột tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương

Ngày 02/8/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 924/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.

Theo đó nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, phải phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn, phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn, phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn với thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh, đồng thời thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong thời gian qua, Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 55/NQ/HĐND, ngày 20/11/2020 thông qua Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025… Các chính sách ra đời đã góp phần tạo điều kiện cho các địa phương đưa nhanh khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, thực hiện chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho các hộ dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Đến nay tỉnh Tuyên Quang đã có 54/122 xã đạt chuẩn nông thôn mới bằng 44,26% tổng số xã trên địa bàn tỉnh, tiêu chí bình quân đạt 15,51 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 09 tiêu chí; Năm 2022, tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 62/122 xã, chiếm 50,81%; diện mạo nông thôn thay đổi tích cực, kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư xây dựng; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục phát triển, nhiều mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; truyền thống văn hóa bản sắc địa phương được phát huy; ý thức bảo vệ môi trường nông thôn từng bước được nâng lên; quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội được giữ vững.

Không bằng lòng với những thành công đã đạt được, xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM, nâng cao các tiêu chí, với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 toàn tỉnh phấn đấu có trên 85/122 xã bằng 69,67% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có thêm ít nhất 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trên 30% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng số tiêu chí bình quân chung toàn tỉnh trên 17 tiêu chí/xã. Đến năm 2025 có thêm huyện Hàm Yên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng tổng số đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới lên 2/7 đơn vị.

Có thể khẳng định, những thành công lớn trong xây dựng NTM của tỉnh Tuyên Quang thời gian qua có đóng góp lớn của ngành nông nghiệp, nhờ bước tiến mạnh mẽ trong cơ cấu, chuyển đổi sản xuất theo hướng hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn cao. Hiện Tuyên Quang có nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT (sử dụng hệ thống cảm biến, máy ảnh và các thiết bị khác giúp người nông dân có được những thông tin chính xác nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp); công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử…

Nhờ ứng dụng nông nghiệp thông minh, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Tuyên Quang đã được xuất khẩu, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Việc thúc đẩy chuyển đổi số giúp không ít trang trại, doanh nghiệp, HTX của Tuyên Quang được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn thông qua các tiện tích của các nền tảng số như Google, Youtube, Facebook... Tiêu biểu như sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy, tiêu chuẩn OCOP 4 sao của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, đã chính thức lên sàn thương mại điện tử Postmart quốc gia. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh đạt các tiêu chuẩn để giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy được canh tác, sử dụng hoàn toàn bằng công nghệ sinh học ANISAF SH-01, được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và ITC hỗ trợ giải pháp công nghệ sạch trong sản xuất; Sản phẩm chè Bát Tiên của Hợp tác xã nông lâm nghiệp xã Mỹ Bằng không chỉ được người tiêu dùng đánh giá cao mà còn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu “Chè Bát Tiên Mỹ Bằng” và đã vươn tới thị trường Nhật Bản với những hợp đồng đặt hàng lên đến hàng tỷ đồng; Sản phẩm Mật ong nhãn Bình Ca và Mật ong rừng Bình Ca của Hợp tác xã (HTX) sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu đã được đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, đã vượt lũy tre làng, vươn tới thị trường miền Nam và được các thương lái thu mua để xuất khẩu sang thị trường Mỹ; Sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang hiện đã có nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và được cấp chỉ dẫn địa lý tại Quyết định số 1167/QĐ-SHTT ngày 23/4/2021 của Cục sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số thứ tự 00104) được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhờ đó, cây chè Shan tuyết từ là một loại cây rừng hoang nay đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh ….Bên cạnh việc đẩy mạnh dán mã QR, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, tỉnh cũng xây dựng thành công nhiều thương hiệu nông sản, đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 128 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng trong đó có 33 sản phẩm 4 sao và 95 sản phẩm 3 sao. Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao hình thành, một số sản phẩm nông nghiệp xây dựng được thương hiệu và từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường. 

Khoa học và công nghệ được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ trên thị trường. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong thời gian qua được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

Tham gia dự án “Ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý hiệu quả chất thải chăn nuôi lợn”, người dân được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về cách phối trộn khẩu phần ăn cân bằng dinh dưỡng hoàn chỉnh cho lợn, vắc xin tiêm phòng, cách xử lý chất thải bằng hệ thống máy tách phân hiện đại và ủ phân theo công nghệ Nhật Bản... anh Hoàng Văn Mão, thôn Yên Phú, xã Đại Phú huyện Sơn Dương chia sẻ, nhờ áp dụng triệt để các quy trình, kỹ thuật chuyển giao và sử dụng thức ăn tự phối trộn nên chi phí thấp hơn từ 1.000 đ - 1.500 đ/kg thức ăn, đàn lợn hơn 150 con lợn của gia đình lớn nhanh đạt khối lượng từ 110 - 120 kg/con, sức đề kháng tốt mà chất lượng thịt thơm, ngon. Trừ các khoản chi phí gia đình anh thu lãi từ 1,5 - 1,9 triệu đồng/con lợn.

Hoạt động nghiên cứu khoa học còn đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản của tỉnh như: Bưởi Phúc Ninh, hồng Xuân Vân (Yên Sơn); trà đậu đen xanh lòng, bánh gai, lạc Chiêm Hóa; chè xanh Trung Long (Sơn Dương), chè Shan (Na Hang)...Đồng thời sản phẩm “Cam sành Hàm Yên” được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; xây dựng và phát triển nhãn hiệu Vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên); lựa chọn được giống lạc phù hợp với địa bàn huyện Chiêm Hóa là giống lạc đặc sản L14; thay thế, thâm canh một số giống chè mới có năng suất, chất lượng cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; nhân giống giống trâu ngố, cá Anh Vũ đặc sản quý hiếm bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo... Giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.

Trang trại bò sữa Hồ Toản, thuộc Công ty cổ phần Bò sữa Hồ Toản, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn được đánh giá là đơn vị mở đầu cho làn sóng ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi bò sữa không chỉ tại Tuyên Quang mà trên cả nước. Toàn bộ hệ thống quản lý, vận hành các hoạt động bên trong trang trại từ chế biến thức ăn, theo dõi sức khỏe cho đàn bò, làm mát, xử lý chất thải, vắt sữa, bảo quản sữa tươi... đã được tự động hóa. Ông Hồ Duy Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bò sữa Hồ Toản khẳng định, trang trại bò sữa của công ty đang áp dụng các quy trình và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới về chăn nuôi bò sữa công nghiệp và chất lượng sữa tốt nhất. Trung bình mỗi ngày trang trại sản xuất 14 - 15 tấn sữa tươi cung ứng cho Công ty cổ phần Sữa Vinamilk chế biến sữa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tận dụng chính sách ưu đãi của tỉnh và địa phương, nhiều HTX tại Tuyên Quang đã mạnh dạn đầu tư cho khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0 vào sản xuất kinh doanh và thu được những kết quả bước đầu rất khả quan. HTX Nông, lâm nghiệp Kim Bình, huyện Chiêm Hóa cũng đang gặt hái những thành quả sau thời gian ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất. Anh Cao Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã phấn khởi cho biết, HTX đã đầu tư xây dựng 2.200 m2 nhà màng trồng các loại dưa theo hướng nông nghiệp sạch. Toàn bộ diện tích vườn được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển bằng điện thoại thông minh. Với công nghệ này, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây; phân bón được hòa vào nước, theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc, giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu, bệnh hại. Nhờ được chăm sóc theo quy trình khắt khe, chất lượng các sản phẩm dưa của HTX đã đáp ứng các tiêu chuẩn vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Ước tính mỗi năm, nguồn thu từ sản phẩm dưa mang lại cho HTX khoảng 200 triệu đồng, cao gấp 5 - 6 lần so với canh tác thông thường trên cùng đơn vị diện tích.

Mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp Tuyên Quang là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, đặc biệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghiệp số trong nền kinh tế; tiếp tục xây dựng thí điểm mô hình sản xuất kết nối nông nghiệp thông minh, quản lý theo chuỗi, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; ứng dụng IoT để hỗ trợ theo dõi, giám sát và hỗ trợ tự động hóa quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Hiện Viễn thông Tuyên Quang đang hỗ trợ quản lý truy xuất nguồn gốc 150 sản phẩm của 100 cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn và đưa 74 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử quốc gia và tập trung nhân lực xây dựng kiến trúc tổng thể cơ sở dữ liệu nền tảng cho ngành nông nghiệp; trung tâm giám sát, điều hành ngành nông nghiệp và các mô hình nông nghiệp thông minh...

Nỗ lực của ngành Nông nghiệp tỉnh, đặc biệt là sự năng động, nhạy bén của các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân trong ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số đã và đang từng bước hình thành một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững, góp phần không nhỏ vào thành công trong xây dựng nông thôn mới của Tuyên Quang./.     

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục