Tiến Bộ nói đi đôi với làm

Thời gian qua, những bí thư chi bộ, trưởng thôn là người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Tiến Bộ (Yên Sơn) đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các cuộc vận động tại địa phương. Họ dùng chữ “tín” vận động đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy tốt vai trò là “cầu nối” giữa nhân dân với Đảng, với Chính quyền và MTTQ xây dựng thôn bản ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày một khấm khá.

Hết lòng với dân bản

Đèo Trám cách trung tâm xã Tiến Bộ 8 km đường đèo dốc, có 43 nếp nhà với trên 200 nhân khẩu chủ yếu đồng bào dân tộc Nùng sinh sống. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đèo Trám Sèn Văn Nam khoe: Từ năm 2015, Đèo Trám được Nhà nước hỗ trợ theo Chương trình 135, người dân nơi đây đã thay đổi tập quán sản xuất. Người dân đã có kỹ thuật, vốn cải tạo những nương chè cũ, trồng rừng, nuôi dê, nuôi bò… Cùng với đó, con đường qua đèo Trám được mở rộng để xe ô tô chở hàng vào bản. Nhà nước còn hỗ trợ để thôn có con đường bê tông chạy dọc bản. Nhà văn hóa được xây, lớp học được mở để trẻ con trong bản được đi nhà trẻ, học mầm non và theo hết lớp 4 không phải đi xa. Để nguồn vốn của Chương trình 135 phát huy được hiệu quả phải kể đến công của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Sèn Văn Nam. Ông Nam không chỉ đi đầu trong chuyển đổi cây sắn sang trồng rừng sản xuất, mà cùng cán bộ xã vận động từng hộ làm thủy lợi cấy 2 vụ lúa, làm màu, chăn nuôi, trồng rừng sản xuất thay thế cây sắn, cây ngô. Đến nay, thôn có hơn 150 ha rừng, 13 ha chè, hơn 60 con trâu. Cách làm của người dân Đèo Trám là “lấy ngắn nuôi dài”. Những năm đầu tiên trồng rừng người dân gieo thêm ngô, cấy thêm sắn đến năm thứ 3 khi cây keo bắt đầu có tán thì thôi. Lúc này, người dân tập trung chăm cây keo. Cách làm này đã giúp người dân có thu nhập thời gian đầu nên 43 hộ dân trong thôn đều trồng rừng, có nhà trồng cả chục ha như Tráng Văn Sơn, Hoàng Văn Minh…


Ông La Văn Kiều, dân tộc Cao Lan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thống Nhất tìm hiểu mô hình nuôi ong lấy mật của người dân trong thôn.

Hoàng Văn Minh là người đầu tiên làm được nhà sàn bê tông trị giá hơn nửa tỷ đồng ở Đèo Trám. Anh Minh bảo, học cán bộ thôn Nam, anh bán trâu, bán lợn để mua giống, mua phân bón về trồng rừng. Hơn 8 ha keo 7 năm tuổi đã cho thu nhập hơn 500 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh có thu nhập ổn định mỗi năm hơn 80 triệu đồng.   

Không chỉ vận động người dân phát triển kinh tế, cuối năm 2017 thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới,  Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nam đã giúp trên 50 triệu đồng để cho các hộ nghèo, cận nghèo vay làm nhà tiêu hợp vệ sinh không tính lãi và trả dần. Kết quả đã có 15 hộ vay tiền đã làm được nhà tiêu hợp vệ sinh, đến nay 43/43 hộ làm nhà tiêu hợp vệ sinh.   

Bà Tráng Thị Pả, một trong những hộ nghèo, chưa có điều kiện để xây dựng nhà tiêu, được anh Nam cho vay 2,5 triệu đồng, không lãi, trả dần để xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Bà Pả bảo: “Nhờ Bí thư, Trưởng thôn Nam người dân chúng tôi đã có sự chuyển biến tích cực từ phát triển kinh tế đến vệ sinh môi trường”. Gắn bó với công tác ở thôn hơn 10 năm qua, gánh vác vai trò người đứng đầu 7 năm, anh Nam luôn tận tâm với mọi việc, giúp đỡ từng hộ gia đình mọi việc. Anh Nam bảo: “Mình xác định làm gì cũng là làm cho bà con mình nên không câu lệ việc khó hay dễ. Việc gì làm được là làm thôi!”.

Dùng chữ “tín” để vận động nhân dân

133 hộ, trong đó trên 60% là đồng bào dân tộc Cao Lan ở thôn Rạp thì có trên 60% có cuộc sống khá giàu; 3,7 km đường thôn được bê tông; các dòng suối, đường làng ngõ xóm sạch sẽ… Kết quả này có phần đóng góp tích cực của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Triệu Văn Loan 16 năm qua. “Mục sở thị” một tuyến đường nhánh của thôn mới thấy được sức lan tỏa của việc ông Loan vận động nhân dân vệ sinh môi trường. Tuyến đường đất nhưng được vệ sinh sạch sẽ, dòng suối cạnh đó không có rác thải, túi nilon. Bà Hoàng Thị Phượng, người dân trong thôn cho biết, tuyến đường này trước nhiều rác nhưng từ khi ông Loan vận động và phát động “đường sạch - thôn đẹp” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, ngoài thực hiện tổng vệ sinh một ngày trong tháng và hộ dân tự quản tuyến đường nơi cư trú nên đảm bảo đường sạch. Nếu hộ nào không thực hiện ông Loan đến từng hộ nhắc nhở. Vừa nể ông, mọi người vừa ý thức hơn về vệ sinh môi trường đã tạo thành nếp. Đối với rác thải sinh hoạt, ông Loan phân công cho Chi hội Phụ nữ hướng dẫn hội viên phân loại rác thải, xử lý tại hố rác gia đình. 


Ông Triệu Văn Loan, dân tộc Cao Lan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Rạp (đầu tiên bên phải) cùng nhân dân dọn dẹp vệ sinh đường thôn.

Ông Loan kể, trước đó tuyến đường này lầy lội đi lại vất vả lắm! Khi Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân đã đóng góp mua cát sỏi, ngày công và hiến đất mở rộng nền đường 3 m. Lúc đầu người dân e ngại vì dù ít dù nhiều cũng mất chút lợi ích riêng. Nhưng khi kiên trì vận động, phân tích lợi ích lâu dài, người dân đã đồng thuận hiến trên 2.000 m2 đất để mở đường… Vậy là chỉ trong 7 tháng tuyến đường dài 1 km đã hoàn thành. Cùng với làm đường, ông Loan cùng với chi ủy, đảng viên của thôn vận động người dân làm nhà văn hóa theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Chuyện làm kinh tế rừng ở thôn Rạp đáng nể hơn. Cả thôn có 200 ha rừng thì có đến 163 ha của 68 hộ dân được cấp chứng chỉ rừng FSC, giá trị kinh tế từ rừng tăng 30 triệu đồng/ha. Ông Hoàng Văn Sắc cho hay, trước đất này chủ yếu trồng sắn khi có chủ trương của tỉnh chuyển đổi trồng rừng, ông Loan cùng người dân bỏ sắn trồng rừng đã tạo thành phong trào ở thôn và cũng từ đây kinh tế của thôn khởi sắc. Hiện thôn Rạp chỉ còn 3 hộ nghèo.

Ở thôn Thống Nhất người dân luôn khâm phục ông La Văn Kiều, dân tộc Cao Lan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn. Bởi ông Kiều không chỉ vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước mà còn là người kết nối tình làng nghĩa xóm gần 16 năm qua. Ông Kiều bảo: “Làm anh “mõ làng” phải thân thiện, gần gũi chứ xa cách người dân không ủng hộ đâu!”. Bởi thế ông luôn nỗ lực để làm tốt nhất mọi việc liên quan đến người dân, có lợi cho dân. Thôn Thống Nhất có 221 hộ, trong đó 70% đồng bào Cao Lan được sáp nhập từ thôn Thủ Ý và thôn Rùng. Những năm qua dưới sự gắn kết của ông Kiều đã đoàn kết phát triển trên 400 ha, chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại… Nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống khá từ mô hình kinh tế VAC như hộ gia đình Trần Huy Thái, Trần Xuân Quang, Hoàng Văn Phú. Cùng với phát triển kinh tế, ông Kiều triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình lớn của tỉnh như làm 2,7 km đường bê tông nông thôn, các chính sách dân tộc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo như xây dựng mô hình nuôi gà thịt, nuôi ong lấy mật nên thôn chỉ còn 8 hộ nghèo. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm nên khi có những vụ việc mâu thuẫn ở thôn là ông Kiều phối hợp với đoàn thể, đảng viên của thôn làm công tác hòa giải, không để phát sinh kiện cáo hay mất đoàn kết.

Những việc làm cụ thể, nêu gương của những người đứng đầu thôn, bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Tiến Bộ đã làm tốt vai trò “cầu nối” của Đảng, Nhà nước với nhân dân. Nhờ họ những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã phát huy hiệu quả ở cơ sở, làm thay đổi đời sống người dân góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

Bài, ảnh: Trang Tâm/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục