Làm giàu bền vững từ rừng

Tuyên Quang là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước. Để nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường phối hợp triển khai cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn Quốc tế FSC cho rừng trồng. Hướng đi này đã phát huy hiệu quả, giúp người trồng rừng nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Xã Tiến Bộ nằm ở phía Đông Bắc của huyện Yên Sơn, là xã thuộc vùng đồi núi cao, có quỹ đất tự nhiên lớn tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế vườn đồi, kinh tế nông nghiệp đa dạng (nông, lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm,...), bền vững, thích hợp để đẩy mạnh phát triển sản xuất 2 vụ/năm.


 Diện tích rừng trồng tại thôn Đèo Tượng, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn đã được cấp chứng nhận FSC

Trước đây, người dân trong xã chủ yếu trồng rừng tự phát, mạnh ai nấy làm nên khi vận động người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC gặp nhiều khó khăn. Bởi, trồng rừng theo tiêu chuẩn người trồng rừng phải thực hiện các quy trình nghiêm ngặt từ khâu trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch. Tuy nhiên, để vận động và giúp người dân hiểu rõ về lợi ích khi trồng rừng theo tiêu chuẩn, xã Tiến Bộ đã mời chuyên gia về đánh giá, khảo sát, hướng dẫn kỹ thuật… cho người dân, để người dân hiểu rõ lợi ích từ trồng rừng theo tiêu chuẩn, từ đó đều tích cực hưởng ứng thực hiện.

Với diện tích rừng sản xuất trên 1.700 ha, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn là một trong những địa phương có diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Từ năm 2013, phong trào trồng rừng theo tiêu chuẩn bắt đầu phát triển, nhiều hộ gia đình đã tham gia trồng rừng và đem lại thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với trước. Những lợi ích rõ rệt từ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đã thực sự tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, đặc biệt đối với những hộ gia định làm kinh tế chủ yếu từ rừng trồng, với diện tích từ 218 ha vào năm 2015, đến nay diện tích rừng FSC của xã đạt trên 1.457 ha.

Ở xã Tiến Bộ, 10/10 thôn đều có các hộ sở hữu từ 3 đến 5ha rừng FSC, trong đó có khoảng 10 hộ có từ 20-30 ha rừng FSC. Không chỉ phát triển rừng, nhiều hộ gia đình đã thu mua gỗ và sản xuất ngay tại địa phương. Sau khi mở xưởng thu mua và chế biến gỗ, toàn bộ số lượng gỗ khai thác của người dân thu mua đều được gia công trước khi bán. Từ khi có xưởng gỗ đã giúp cho nhiều lao động của địa phương có việc làm, thu nhập bình quân đạt từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Từ trồng rừng đã giúp người dân nơi đây thoát nghèo bền vững, làm giàu có hiệu quả. Năm 2018, số hộ nghèo của xã là 115 hộ, chiếm 8,3%. Đến hết năm 2019, hộ nghèo đã giảm xuống còn 88 hộ, chiếm 6,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm.

Tính đến hết năm 2019, diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC của Tuyên Quang đã tăng thêm 6.203 ha. Diện tích cấp mới không ngừng tăng đã đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC với tổng diện tích 25.363 ha. Đây là điều kiện quan trọng để tỉnh hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tăng giá trị đóng góp của ngành trong cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản hằng năm. Qua đó, thu nhập của các hộ trồng rừng theo tiêu chuẩn cũng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, cũng như hệ sinh thái rừng tự nhiên.

Chứng nhận bảo vệ rừng FSC là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị về bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương). Nhờ xây dựng được cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, cũng như thu hút các doanh nghiệp tham gia quản lý, phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế từ phát triển trồng rừng theo tiêu chuẩn của Tuyên Quang đã có những bước tiến vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo từ phát triển kinh tế rừng./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục