Tân Trào hôm nay

Trong những ngày cuối tháng 11, trở lại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, vùng quê cách mạng đã gợi nhớ về những năm tháng kháng chiến gian khổ trong cuộc đấu tranh dành độc lập dân tộc. Chính từ mảnh đất lịch sử này, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã ra những quyết sách đem lại độc lập, ấm no, hạnh phúc cho cả dân tộc. Cây đa Tân Trào - biểu tượng và chứng nhân của cách mạng tháng 8. Dưới gốc đa lịch sử, đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1 hạ lệnh xuất quân, đoàn quân giải phóng rầm rập lên đường, tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về Hà Nội.

Thay đổi tư duy trong sản xuất và bước đi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn là một trong những giải pháp mà xã Tân Trào xác định đang tập trung đẩy mạnh, tập trung quy hoạch lại các vùng sản xuất theo hướng chuyên canh và hướng nông dân tham gia liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị của từng loại sản phẩm nông nghiệp. Nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hàng hóa đã đem lại hiệu quả tích cực, giúp nâng cao đời sống nhân dân. Nhiều mô hình trang trại, gia trại trong trồng trọt được hình thành trong vài năm trở lại đây đã chứng minh cho hướng đi mới của nông dân Tân Trào trong mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp.

Trở về vùng đất cách mạng Tân Trào, nơi ghi dấu những mốc son lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những câu chuyện, hình ảnh, kỷ vật về Bác, về Đại tướng sẽ mãi được lưu truyền, để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cuộc sống của nhân dân xã Tân Trào ngày càng thay da đổi thịt. Sức vóc làng quê bừng thức dưới chân núi Hồng. Cây chè là cây trồng chủ lực của xã Tân Trào. Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, giờ đây làng chè Vĩnh Tân, Tân Trào đã tập trung phát triển cây chè theo hướng VietGap, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Đi qua những nhọc nhằn, Vĩnh Tân đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung với diện tích trên 128ha. Cả thôn có hơn 100 hộ dân, thì có tới 98% số hộ tham gia sản xuất chè. Để có được một vùng chè nguyên liệu lớn nhất ở xã Tân Trào, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội của xã đã chủ động đi học hỏi kinh nghiệm ở những nơi khác để có thêm kiến thức, giúp người dân trong thôn tập trung đầu tư nâng cao chất lượng và sản lượng chè. Từ đó đến nay, chè Vĩnh Tân không những tìm được chỗ đứng ổn định trên thị trường mà còn trở thành một trong những sản phẩm chè có tiếng, được khách hàng ưa chuộng. Xây dựng được thương hiệu là vậy, nhưng để giữ vững được thương hiệu là vấn đề mà mỗi người dân trồng chè ở Vĩnh Tân luôn quan tâm.

Người dân thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào thu hoạch chè (Nguồn ảnh: Sonduong.tuyenquang.gov.vn)

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai nguồn và nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định để nâng cao nguồn thu nhập cho người dân, cấp uỷ, chính quyền xã Tân Trào đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vậy cấp uỷ, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa mang lai hiệu quả kinh tế cao, đồng thời chú trọng phát triển các sản phẩm đặc thù và có thế mạnh ở địa phương, như: chè, mật ong...

Không chỉ mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều hộ dân đã chủ động liên kết với nhau để đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị, điển hình như HTX nuôi ong chất lượng cao Tân Trào. Trước đây, các thành viên đều là các hộ nuôi ong có kinh nghiệm trên địa bàn, nhưng chủ yếu nuôi tự phát, sản phẩm mật ong mang tính tiêu dùng nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đã tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên thay đổi tư duy, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa; thực hiện liên kết phát triển sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau. Cùng với đó, HTX chủ động, tích cực học hỏi kinh nghiệm các HTX nuôi ong ở các địa phương khác để nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm và từng bước xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Xác định việc nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung then chốt trong xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Tân Trào đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp mới, phù hợp với điều kiện của xã để triển khai các quy hoạch, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho phù hợp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được địa phương tập trung thực hiện nhằm đa dạng các nguồn thu nhập cho người dân. Cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức ở cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời xây dựng và phát triển nhiều mô hình mẫu về phát triển kinh tế để nhân ra diện rộng, từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức và cách thức sản xuất của người dân.

Phát huy truyền thống cách mạng, cùng với sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của nhà nước, sự tham gia chủ động, tích cực của người dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Tân Trào luôn nỗ lực, vươn lên trong phát triển kinh tế. Diện mạo nông thôn vùng chiến khu xưa giờ từng bước được đổi thay. Cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã được hoàn thiện góp phần tích cực nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân./.

Lại Kiều Trang/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục