Na Hang: Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thời gian gần đây, du lịch nông nghiệp được xem là “mỏ vàng” trong phát triển kinh tế nông thôn, động lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM). Chính vì vậy, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới huyện Na Hang xác định phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.

Được thiên nhiên ưu đãi, huyện Na Hang sở hữu Khu bảo tồn thiên nhiên với trên 33.000 ha thuộc địa bàn các xã Thanh Tương, Sơn Phú, Khâu Tinh, Côn Lôn và thị trấn Na Hang, giáp với các xã của huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình và huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Trong khu bảo tồn có trên 21.000 ha là rừng đặc dụng, khí hậu mang tính chất của khí hậu vùng núi cao. Tại khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang còn khoảng 68% diện tích là rừng ẩm nhiệt đới vẫn còn ở tình trạng nguyên sinh, cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, có độ đa dạng sinh học cao. Đến nay, các nhà khoa học đã ghi nhận được trên 2.000 loài thực vật, nhiều loại được ghi trong sách Đỏ Việt Nam như trai, nghiến, lát hoa, hoàng đàn, trầm gió, nhiều cây thuốc quý… Khu bảo tồn có nhiều loài chim, thú quý, hàng nghìn loại cá, trong đó có cá Dầm xanh, Anh Vũ; nhiều loài động vật trong khu bảo tồn được ghi trong sách Đỏ Việt Nam, sách Đỏ thế giới như voọc mũi hếch, voọc đen mũi trắng, rùa đất…

Dựa trên những yếu tố thuận lợi mà thiên nhiên mang đến, huyện đã quy hoạch một số điểm du lịch cộng đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch, các tuyến đường giao thông kết nối. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, di tích lịch sử; gắn kết với phát triển du lịch; duy trì và tổ chức hằng năm Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Na Hang, Lễ hội Hoa lê Hồng Thái. Xây dựng 3 làng văn hóa tại thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái; thôn Nà Khá, xã Năng Khả; thôn Bản Bung, xã Thanh Tương… Tập trung nâng cao các sản phẩm du lịch đặc trưng hiện có, nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới, hiện đại như: trải nghiệm quần thể rừng nghiến 1.000 năm tuổi gắn với khám phá hang động, làng văn hóa các dân tộc; bay dù lượn, bay khinh khí cầu biểu diễn; đua xe ô tô địa hình, xe đạp… vào thử nghiệm để thu hút khách du lịch.

Vườn hoa cải xã Hồng Thái, địa điểm chụp ảnh yêu thích của du khách (Ảnh nguồn internet)

Tiêu biểu tháng 9 vừa qua, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang được nhận danh hiệu làng du lịch. Nổi tiếng, là vùng đất sơn thủy hữu tình, thôn Khâu Tràng như một bức tranh thơ mộng, nơi đây có những triền đồi nở trắng hoa lê, điểm màu tím hoa sim thơ mộng. Vào mùa thu du khách đến đây sẽ được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, làn mây quấn quýt cùng du khách, những ngôi nhà cổ của người Dao Tiền và những nụ cười tươi rói, thân thiện mến khách của người dân ở đây. Với trên 30 gia đình làm du lịch với 11 cơ sở lưu trú, đáp ứng nhu cầu đón trên 400 khách du lịch mỗi ngày. Đến Khâu Tràng, du khách sẽ được thưởng thức những nét văn hóa truyền thống của người Dao Tiền, được trải nghiệm những hoạt động hàng ngày trong đời sống của bà con nơi đây. Đặc biệt, là các món ăn truyền thống, các sản phẩm nông sản do bà con trong thôn trực tiếp sản xuất.

Chị Đặng Thị Hà – chủ homestay Hoàng Hà phấn khởi chia sẻ: “Những năm gần đây nhờ kết hợp du lịch với nông nghiệp nên đời sống của người Dao Tiền ở xã Hồng Thái ngày một nâng cao, cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn”.

Cũng theo Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, cho biết: “Đối với xã Hồng Thái, UBND huyện đã chỉ đạo nhân dân duy trì, chăm sóc tốt vườn lê, phát triển trồng hoa, rau cải, quy hoạch đồng ruộng gieo cấy đúng khung thời vụ, cùng một loại giống, để lúa chín vàng đều phát triển du lịch. Nhờ vậy, bà con có nguồn thu thêm từ chụp ảnh và các dịch vụ khác khi du khách tới tham quan”.

Bên cạnh đó, để người dân làm du lịch chuyên nghiệp hơn, huyện Na Hang thường xuyên quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng giúp người dân nâng cao kỹ năng làm dịch vụ du lịch. Qua đó, ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa, kỹ năng về kinh doanh du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, điểm đến đã được từng bước nâng cao.

Với những kết quả bước đầu mang lại, đã góp phần làm thay đổi tư duy, đời sống của người dân địa phương nơi đây. Điều này đã cho thấy hướng đi này là đúng đắn và cần tiếp tục chú trọng đầu tư với những cách làm đa dạng. Trong thời gian tới, huyện Na Hang đã xác định tiếp tục phát huy nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và các điểm dừng chân; nâng cao chất lượng, hiệu quả của loại hình du lịch cộng đồng; lồng ghép các chương trình, kế hoạch, nguồn vốn để thực hiện phát triển du lịch trong đó trọng tâm là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; đa dạng hoá các hình thức quảng bá du lịch; phát huy những tiềm năng, lợi thế du lịch nông nghiệp, nông thôn sẵn có gắn với thực hiện hiệu quả chương trình nông thôn mới của địa phương./.

Lê Thành Trung/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục