Huyện Lâm Bình phát huy các giá trị văn hoá trong xây dựng nông thôn mới

Văn hóa là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân. Xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, trong những năm qua huyện Lâm Bình đã tập trung kế thừa và phát huy giá trị văn hóa gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đây là một chủ trương đúng đắn và kịp thời, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì phát triển văn hóa trong nông thôn càng có vị trí, vai trò, ý nghĩa lớn lao hơn.

Là địa phương sở hữu kho tàng giá trị văn hóa đa dạng và phong phú, thời gian qua huyện Lâm Bình đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ đối với công tác kế thừa và phát triển văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, nòng cốt là củng cố, nâng cao chất lượng trong xây dựng nếp sống văn hóa nhằm phát triển văn hóa nông thôn gắn liền với phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng phát triển đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, cán bộ, đảng viên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện, đưa các nội dung thực hiện vào quy ước của thôn, bản và phổ biến đến toàn thể nhân dân trên địa bàn khu dân cư được biết và thực hiện; 100% thôn đã có quy ước thôn, tổ dân phố để thực hiện. Ngày hội văn hóa các dân tộc của các xã trên địa bàn huyện được phục dựng và tổ chức thực hiện theo Quy chế hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ và Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ; các lễ hội được tổ chức đảm bảo đúng nghi thức truyền thống, có nội dung, hình thức phù hợp, mang yếu tố lịch sử và có ý nghĩa giáo dục cao.

Cùng với việc kế thừa và phát huy giá trị văn hoá, việc nâng cao chất lượng hoạt động để phát huy được công năng của thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cũng đã được quan tâm đẩy mạnh, tăng cường. Đến nay, toàn huyện có trên 100 đội văn nghệ thôn, bản, cơ quan, trường học; 05 Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính; 05 đội văn nghệ phục vụ khách du lịch; 01 Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao; 02 Câu lạc bộ hát các làn điệu dân ca; thành lập và duy trì hoạt động 12 Câu lạc văn nghệ, thể thao của các trường học; 04 Câu lạc bộ hát Páo Dung; 02 Câu lạc bộ múa khèn Mông; 01 Câu lạc bộ hát dân ca Mông; 01 Câu lạc bộ múa cầu mùa; 10/10 xã có sân vận động... Thường xuyên tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong huyện.

Giải đua xe đạp địa hình, huyện Lâm Bình (Ảnh sưu tầm internet)

Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào thể dục thể thao huyện nhà. Năm 2022, huyện đã tổ chức trên 20 chương trình hoạt động tại chỗ, chương trình hội diễn văn nghệ kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm; phối hợp tổ chức Hội diễn các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống lần thứ 3, Hội thi chọi dê, thi mâm ngũ sắc, thi làm bánh trứng kiến, giải bóng đá nữ,… để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Tổ chức thành công giải đua thuyền Kayak tỉnh Tuyên Quang mở rộng; Lễ hội khinh khí cầu quốc tế tỉnh Tuyên Quang lần thứ I, thứ II; Giải đua xe đạp địa hình mở rộng lần thứ I với gần 260 vận động viên đến từ 28 câu lạc bộ xe đạp địa hình trên cả nước như: Tuyên Quang, Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh hóa,…và hàng trăm vận động viên cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện tham gia. Tổ chức thành công trại sáng tác văn học nghệ thuật để giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người Lâm Bình …

Về cơ sở vật chất, toàn huyện hiện có 10/10 xã, thị trấn có nhà văn hóa hoạt động thường xuyên; 100 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố trong đó có 56 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn cơ bản về diện tích theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới về văn hóa còn gặp những khó khăn nhất định, như: Nguồn kinh phí đầu tư cho văn hoá còn hạn chế, nhiều nhà văn hoá thôn, bản chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định, hệ thống thiết chế văn hoá còn thiếu; chưa phát huy được hết tiềm năng về văn hoá truyền thống; việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống chưa được quan tâm đúng mực; … Chính vì vậy để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới cấp uỷ, chính quyền huyện Lâm Bình cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc nâng cao các giá trị văn hoá gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung các giải pháp để huy động nguồn lực hoàn thiện cơ sở vật chất văn hoá, góp phần tạo môi trường sinh hoạt văn hoá lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương./.

 

Lê Thành Trung/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục