Huyện Lâm Bình: Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Phát triển du lịch nông thôn được huyện Lâm Bình xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.

Thời gian qua, phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM đã được huyện Lâm Bình triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện, đặc biệt tập trung tại các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng. Qua đó, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế và tranh thủ các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ để phát triển kinh tế du lịch của huyện gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng dân cư tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa địa phương đồng thời giữ gìn môi trường sinh thái.

Lễ hội khinh khí cầu tại Lâm Bình (Ảnh sưu tầm internet)

Phát huy nội lực, tạo dấu ấn du lịch riêng

Để phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch vốn có của địa phương, huyện Lâm Bình đã tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch; tích cực và đa dạng hoá các hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của địa phương; gắn phát triển du lịch với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng không gian du lịch “ Sạch - xanh - đẹp - an toàn”.

Huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện thành công mô hình du lịch cộng đồng tại 02 thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm và thôn Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can và thực hiện nhân rộng. Đến nay, toàn huyện Lâm Bình có 55 hộ gia đình thực hiện mô hình du lịch cộng đồng “Homestay”. Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ Homestay trong đó trọng tâm là vận động các hộ làm du lịch chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên, trồng cây xanh, xây dựng tiểu cảnh; xây dựng thêm các dịch vụ trải nghiệm theo chuỗi như: Làm bún truyền thống, tre và các sản phẩm từ tre, đan lát, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc, nấu rượu ngô, thóc, trải nghiệm nông nghiệp, vẽ sáp ong trên thổ cẩm,…; giới thiệu các sản phẩm lưu niệm để phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, huyện đã tập trung từng bước bảo tồn, gìn giữ, phát triển văn hóa dân tộc, phục hồi tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái để phục vụ phát triển du lịch. Triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch của tỉnh, xây dựng các điểm du lịch cộng đồng dân tộc Pà Thẻn tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang; dân tộc Mông, thôn Khuổi Trang và Khuổi Củng, xã Xuân Lập. Kết quả trong những tháng đầu năm 2023, huyện Lâm Bình đã thu hút trên 60.000 lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt trên 60 tỷ đồng.

Xây dựng du lịch mang tính bền vững

Để phát triển du lịch mang lại hiệu quả thiết thực, huyện Lâm Bình đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn thực hiện đồng bộ các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững, phù hợp với tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch nông nghiệp của địa phương. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về tiềm năng, vai trò, yêu cầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lý, các tổ chức, cộng đồng về du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM; tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì khôi phục bản sắc văn hóa, nhất là tiếng nói, trang phục, phong tục, tập quán, lễ hội, dân ca, dân vũ. Triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, phát huy các thế mạnh thiên nhiên sẵn có, di sản văn hóa, lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khu vực Na Hang-Lâm Bình. Đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu về du lịch; xây dựng các ấn phẩm, tạp chí, chương trình truyền hình, chuyên trang mạng xã hội (youtube, facebook, tiktok…) giới thiệu các điểm đến du lịch của địa phương; xây dựng và vận hành Website “du lichlambinh.gov.vn”, chuyên mục “DU LỊCH” trên Cổng thông tin điện tử của huyện, fanpage: “Du lịch Lâm Bình, Tuyên Quang; … Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhóm Thổ Cẩm Lâm Bình phát triển với các trang phục thổ cẩm truyền thống của các dân tộc, quà lưu niệm bằng thổ cẩm mang tính độc đáo của đồng bào dân tộc. Cùng với đó là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực tại địa phương phục vụ phát triển du lịch; năm 2021 đã tổ chức 02 lớp tập huấn về sơ cấp nghề hướng dẫn viên du lịch tại 02 xã Hồng Quang và xã Phúc Sơn với 57 học viên.

Với những hiệu quả ban đầu trong phát triển du lịch nông thôn đã góp phần thay đổi tư duy, đời sống của người dân địa phương nơi đây. Điều này đã cho thấy hướng đi này là đúng đắn và cần tiếp tục chú trọng đầu tư với những cách làm đa dạng. Trong thời gian tới, huyện Lâm Bình đã xác định tiếp tục phát huy nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và các điểm dừng chân; nâng cao chất lượng, hiệu quả của loại hình du lịch cộng đồng (Homestay); lồng ghép các chương trình, kế hoạch, nguồn vốn để thực hiện phát triển du lịch trong đó trọng tâm là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; đa dạng hoá các hình thức quảng bá du lịch; phát huy những tiềm năng, lợi thế du lịch nông nghiệp, nông thôn sẵn có gắn với thực hiện hiệu quả chương trình nông thôn mới của địa phương./.

Lê Thành Trung/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục