Đông Thọ xây dựng nông thôn mới

Đông Thọ là một trong 6 xã của huyện Sơn Dương đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) năm 2024. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động và huy động mọi nguồn lực để sớm về đích theo kế hoạch giao

Điểm giới thiệu, bán sản phẩm  Nông sản xanh Sáng Nhung tại TP Tuyên Quang (Ảnh nguồn Internet)

Xã Đông Thọ hiện có 7 dân tộc sinh sống, chủ yếu là dân tộc Cao Lan, Nùng, Mông, Tày. Bắt tay vào xây dựng NTM, bước đầu xã gặp không ít khó khăn vì một số tiêu chí NTM chỉ đạt ở mức trung bình. Do vậy, địa phương đã xác định những tiêu chí nào cần tập trung tiếp tục nâng chất; chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Nhất quán phương châm “Người dân là chủ thể xây dựng NTM”. Đông Thọ tích cực tuyên truyền, vận động thực hiện những công việc “thuộc trách nhiệm của hộ gia đình thực hiện có sự định hướng của chính quyền”; những phần việc “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” và tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Chung sức xây dựng NTM”... từ đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đã xuất hiện nhiều mô hình trong xây dựng NTM như mô hình tuyến đường NTM kiểu mẫu, mô hình thắp sáng đường quê, mô hình tự quản, liên kết bảo vệ an ninh trật tự, mô hình phân loại rác thải tại nguồn...

Vừa qua, với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các tuyến đường ĐH.21: Đông Thọ - Quyết Thắng - Vân Sơn - Đồng Quý dài khoảng 1,2 km có tổng mức đầu tư 3,979 tỷ đồng; tuyến đường ĐH.08 đoạn từ thôn Đá Trơn đi thôn Làng Mông, xã Đông Thọ dài khoảng 3,5 km có tổng mức đầu tư 21,926 tỷ đồng sau khi có chủ trương xây dựng, UBND xã đã vận động nhân dân “dịch rào, hiến đất” để làm đường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, phát triển kinh tế, xã hội. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận của nhân dân nơi tuyến đường đi qua, bà con nhân dân đã đồng thuận tự nguyện phá dỡ các công trình, hiến đất, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng để công trình sớm được triển khai xây dựng. 

Để hoàn thành tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn xã Đông Thọ đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Tuyên Quang triển khai 02 mô hình: “Mô hình trồng rau theo phương pháp hữu cơ” và “Mô hình chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ”. Theo đó, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn các hộ gieo trồng các loại hạt, cây giống theo phương pháp hữu cơ đảm bảo không sử dụng phân bón, chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu hóa học trong suốt quá trình chăm sóc, thu hoạch để đảm bảo nguồn thức ăn an toàn, chất lượng phục vụ cho đàn lợn sau này, đảm bảo mục tiêu tạo ra sản phẩm sạch và an toàn cho người sử dụng. Việc sử dụng chế phẩm vi sinh vật để làm đệm lót và ủ thức ăn đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp các hộ dân giảm bớt được công chăm sóc, tận dụng được nguồn chất thải làm phân bón cho cây trồng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe của con người, hướng đến một phương thức sản xuất bền vững để phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương. Đến nay, xã đạt 12/19 tiêu chí xã NTM; có 07 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 04 sản phẩm OCOP 3 sao: Giò dăm bông Sáng Nhung, Lạp xưởng lợn Sáng Nhung, Chả mỡ lợn Sáng Nhung, Chả quế Sáng Nhung; 03 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao: Thịt lợn Sáng Nhung; Giò lụa thịt lợn Sáng Nhung; Xúc xích thịt lợn Sáng Nhung.

Đặc biệt là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh Tuyên Quang về diện tích đất có rừng, Đông Thọ đã tận dụng ưu thế từ rừng, tạo động lực phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững. Toàn xã hiện có trên 2.800 ha rừng gồm trên 146 ha rừng tự nhiên và trên 2.700 ha rừng trồng. Trên địa bàn xã hiện có trên 703 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Bình quân hàng năm, toàn xã trồng trên 100 ha rừng, với trên 1.800 hộ dân tham gia sản xuất lâm nghiệp, thu nhập bình quân từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng/ha, chu kỳ trồng rừng (6-7 năm). Từ kinh tế rừng đã giúp nhiều hộ ở Đông Thọ thoát nghèo, có cuộc sống no đủ. Đầu năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều của xã là 44%, đến 31/12/2023 giảm còn 37,51%.

Để hoàn thành tiêu chí môi trường, Đông Thọ đã thành lập các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường, hằng tháng xã, thôn tổ chức các buổi lao động, quét dọn đường làng, ngõ, xóm, thu gom rác; hướng dẫn người dân đổ rác đúng nơi quy định. Các thành viên trong tổ tự quản vận động người dân trong thôn tự mua sắm thùng đựng rác, túi phân loại rác thân thiện với môi trường. Việc áp dụng các mô hình tổ tự quản về bảo vệ môi trường đã mang lại hiệu quả tích cực. Môi trường nông thôn xã Đông Thọ được cải thiện, đường làng, ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ, trong lành, cống rãnh được khai thông, rác thải được thu gom, không bị tồn đọng. Ý thức của người dân về bảo vệ môi trường đã nâng lên; tình trạng vứt, xả rác bừa bãi đã được khắc phục, đường làng ngõ xóm sạch đẹp. 

Bên cạnh đó, xã đề ra các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân thông qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phát triển các ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn; tư vấn giới thiệu việc làm để người dân tham gia học nghề và có việc làm ổn định tại chỗ, hoặc tại các khu công nghiệp trong tỉnh; khuyến khích người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 6.736 người, đạt 20,3%.

Để gỡ khó trong xây dựng NTM, đưa Đông Thọ về đích đúng hẹn vào năm 2024. Ông Âu Văn Tá, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Xã đã xây dựng được các phương án cụ thể để hoàn thành 7 tiêu chí còn lại. Mỗi lĩnh vực, tiêu chí được giao cho các đầu mối cán bộ trong Ban xây dựng NTM của xã phụ trách để có sự chủ động, linh hoạt thực hiện với sự hỗ trợ của huyện, tỉnh, chúng tôi tin tưởng Đông Thọ sẽ cán đích NTM vào cuối năm 2024 như mục tiêu đề ra./.

Trần Hồng Khuyên/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục