Đổi thay ở Kim Bình

Trong những đầu xuân Giáp Thìn 2024, chúng tôi có dịp đến xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa - Nơi diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người dân xã Kim Bình đã và đang tự lực, tự cường vươn lên trong lao động sản xuất, tạo sự đổi thay từng ngày trên vùng quê cách mạng.

Người dân xã Kim Bình vui mừng, phấn khởi tham gia Lễ hội truyền thống những ngày đầu xuân

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất lúa đạt từ 120 triệu đồng/ha trở lên; nâng hệ số sử dụng đất 2,9 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm và quyết tâm xây dựng xã Kim Bình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bám sát những định hướng, mục tiêu và những giải pháp của Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII, các Chi, Đảng bộ trực thuộc đã họp, phân công trách nhiệm cho từng đồng chí đảng viên, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.

Thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, Đảng bộ xã Kim Bình luôn phát huy tốt vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong mọi phong trào thi đua ở cơ sở. Những đảng viên tiên phong trong công tác xã hội, đi đầu trong phát triển kinh tế đã và đang là nguồn cổ vũ, tấm gương để nhân dân học tập, làm theo. Từ đó, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương.

Đến thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Lục Văn Hoàng ở thôn Pắc Kéo chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự cố gắng, nỗ lực của bản thân anh và gia đình trong việc phát triển kinh tế. Là một đảng viên trẻ nhưng anh luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao để thay đổi được tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đồng thời tạo nên những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, từ đó vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững. Sau khi thực hiện nhiều mô hình với các giống cây trồng, vật nuôi khác nhau nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn, anh Hoàng bắt đầu tìm hiểu và bắt tay vào thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.

Được cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ, anh đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng rộng hơn 2.500m2. Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới giúp hạn chế các yếu tố bất lợi của thời tiết, ngăn côn trùng xâm nhập, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm làm ra sạch, an toàn với sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tuân thủ quy trình, kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch đều được thực hiện theo đúng quy trình. Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của anh Hoàng đã mở ra triển vọng trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đây cũng là cơ hội giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Cũng giống như anh Hoàng, làm sao để vươn lên thoát nghèo cũng là trăn trở của chàng thanh niên trẻ Lý Tiến Long, người dân tộc Dao ở thôn Khuổi Pài. Với đặc thù thôn có trên 90% là đồng bào dân tộc Dao, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ chưa tạo được sản phẩm hàng hóa. Anh Long đã nghiên cứu, tìm hiểu và nhận thấy mô hình chăn nuôi gà sẽ phù hợp với môi trường và điều kiện kinh tế của gia đình. Năm 2019, sau khi được đi tham quan học hỏi mô hình nuôi gà ở huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, anh Long đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi và nuôi thử nghiệm 1.000 con, sau 5 tháng thu lãi hơn 30 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi gà mang lại, đặc biệt là khi gà đến ngày xuất, tư thương vào tận nơi để mua, anh đã mở rộng quy mô nuôi lên hơn 3.000 con.

Để thay đổi tư duy sản xuất của các hộ nông dân trên địa bàn xã, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trong đó chú trọng việc tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy hoạch sử dụng đất, đề án, dự án trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Đồng thời tăng cường công tác khuyến nông chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm có chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và tăng thu nhập cho người nông dân.

Cùng với đó, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cũng được cấp uỷ, chính quyền xã đặc biệt chú trọng. Trong thời gian tới, Đảng bộ xã Kim Bình tiếp tục tập trung lãnh chỉ đạo xây dựng Chi bộ đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập để cải thiện đời sống; tích cực tham gia xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn xã để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Mùa xuân mới đang về trên quê hương cách mạng Kim Bình. Với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và tinh thần vượt khó vươn lên của nhân dân các dân tộc trong xã, tin tưởng rằng Kim Bình sẽ ngày càng phát triển và hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2024./.

Lại Kiều Trang/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục