Thời gian qua, hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở đã đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, hướng kỹ thuật để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; các cây trồng, vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững trong giai đoạn mới. Nhiều mô hình khuyến nông, liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phát huy hiệu quả, điển hình như: Kết nối với 08 doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mở rộng mô hình nâng giá trị sản phẩm nông sản cho nông dân, thực hiện thu mua được 16.110,3 tấn nông sản cho các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh, trong đó có: 13.270 tấn dưa chuột, doanh thu ước đạt trên 66 tỷ đồng; 246 tấn ngô ngọt, doanh thu 1,1 tỷ đồng; 2.003,4 tấn ngô sinh khối, doanh thu 2,1 tỷ đồng; 590,9 tấn ớt, doanh thu trên 5 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, trong năm 2023 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện được 11 mô hình, dự án khuyến nông tại các xã xây dựng nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao năm 2023: Mô hình nuôi vịt thương phẩm (vịt bầu đất) an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với Quy mô 3.000 con/15 hộ tại xã Bằng Cốc huyện Hàm Yên; Mô hình liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học hướng tới xây dựng thương hiệu với quy mô 6.000 con/12 hộ tại xã Hợp Thành, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương; Mô hình cải tạo đàn dê (sử dụng giống dê đực Bore, dê cái lai Bách Thảo) theo hướng nâng cao giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm với quy mô 100 con/10 hộ tại xã Khâu Tinh, huyện Na Hang; Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại Tuyên Quang” với quy mô 50 con/05 hộ tại xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình; Dự án“Xây dựng mô hình nuôi ong mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” quy mô 350 đàn/7 hộ thực hiện tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Phối hợp với Ban quản lý tiểu Dự án nông nghiệp (Cục B05-Bộ Công an), Viện Di truyền nông nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Na Hang, Lâm Bình tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn thâm canh chăm sóc và theo dõi đánh giá các cây trồng, vật nuôi. Qua thực hiện các mô hình, dự án, các cây trồng, vật nuôi đều sinh trưởng phát triển tốt, được người dân đồng tình ủng hộ và đề nghị nhân ra diện rộng; từ đó đã góp phần tăng thu nhập cho bà con nhân dân, thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới tại các địa phương.
Mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình
Phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn là giải pháp quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh; thời gian tới, ngành nông nghiệp xác định tiếp tục đổi mới phương pháp khuyến nông để nâng cao hiệu quả hoạt động; các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phải đảm bảo có trọng tâm, gắn với phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị theo nhu cầu thị trường; làm tốt vai trò cầu nối khoa học công nghệ với nông dân; làm tốt cả 03 khâu: chuyển giao khoa học công nghệ; phát triển liên kết sản xuất; sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các tổ khuyến nông cộng đồng đảm bảo hoạt động hiệu quả đáp ứng được quy định tiêu chí xã nông thôn mới./.