Nghệ An - 'cái nôi' của thôn, bản nông thôn mới

Là “cái nôi” của thôn, bản NTM, đến nay, tỉnh Nghệ An đã có 103 thôn đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí thôn, bản NTM giai đoạn 2017 - 2020. “Thành công đã tiếp thêm sức mạnh, làm dấy lên phong trào xây dựng NTM ở các xã miền núi khó khăn, lan tỏa khắp khu vực miền tây của tỉnh”. - Ông Nguyễn Văn Hằng – Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh chia sẻ.

Mô hình cam cho thu nhập cao ở các thôn, bản thuộc huyện Con Cuông.

Động lực xây dựng xã NTM

Năm 2016, nhận thấy việc xây dựng NTM đối với các xã miền núi là hết sức khó khăn, đặc biệt đối với các huyện 30a đang “trắng” NTM như Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn… UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quy định tạm thời Bộ tiêu chí xóm, bản NTM áp dụng trên địa bàn các xã miền núi tỉnh Nghệ An. Bộ tiêu chí ra đời đã thổi một luồng gió mới trong phong trào xây dựng NTM nơi các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Huyện Tương Dương có chính sách thưởng 70 triệu đồng, trong đó 50 triệu đồng để bản, làng đầu tư xây dựng công trình hoặc mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa cộng đồng và 20 triệu đồng tổ chức lễ công nhận đạt chuẩn. Huyện Tân Kỳ hỗ trợ 30 tấn xi măng/km làm đường giao thông ngõ, xóm… Ngoài các chính sách hỗ trợ, các địa phương cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không trông chờ Nhà nước mà tự nguyện đóng góp công, của, hiến đất, mở đường…

Để hoàn thành tiêu chí thu nhập và hộ nghèo, chính quyền tập trung vào công tác phát triển sản xuất, chuyển đổi ruộng đất. Nhiều thôn, bản đã xây dựng được các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng chanh leo ở các thôn, bản thuộc 2 huyện Quế Phong, Tương Dương; trồng thanh long ruột đỏ ở xã Tam Quang (Tương Dương). Các hộ sản xuất thì thành lập các tổ, nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như ở xã Kỳ Tân (Tân Kỳ), xã Mường Nọc (Quế Phong). Bên cạnh đó, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, các địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ bà con phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Nông thôn vùng cao chuyển mình, khởi sắc

Về với thôn Quyết Tiến (Chi Khê) - thôn đầu tiên của huyện Con Cuông được công nhận đạt chuẩn, ngoài bộ mặt nông thôn đang đổi thay từng ngày, chúng tôi còn được dịp chiêm ngưỡng nhiều mô hình phát triển kinh tế ấn tượng như mô hình trồng các loại cây dược liệu quý (dây thìa canh, cà gai leo, giảo cổ lam, đinh lăng, mướp đắng rừng…). Nhờ những mô hình thành công này, đời sống vật chất của người dân đã từng bước được nâng lên rõ rệt, hộ nghèo trong thôn giảm chỉ còn 2,5%.

Tại bản Hoa Tiến (Châu Tiến, Quỳ Châu), những con đường vào bản lầy lội trước kia đã được thay thế bằng đường bê tông khang trang, sạch đẹp với băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa rực rỡ. Ông Vi Văn Hào - Trưởng bản Hoa Tiến cho biết: “Nhờ chuyển đổi trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía có giá trị kinh tế cao, phát triển du lịch cộng đồng mà bản Hoa Tiến đã sớm hoàn thành tiêu chí khó nhất là tiêu chí thu nhập và hộ nghèo”.

Qua 3 năm thực hiện xây dựng NTM thôn bản, từ phôi thai thử nghiệm cho đến nhân rộng mô hình xây dựng NTM thôn bản thành công, tỉnh Nghệ An đã cho thấy hướng đi đúng đắn trong xây dựng NTM ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn.

Bài, ảnh: Tuyết Trinh/Báo Nông thôn Việt

Tin cùng chuyên mục