Xây dựng nông thôn mới bền vững, văn minh ở Vĩnh Phúc

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc có những chuyển biến tích cực và toàn diện. Ðời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Bộ mặt nông thôn Vĩnh Phúc ngày càng khởi sắc.

Tập trung lãnh đạo, huy động hệ thống chính trị vào cuộc

Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (Chương trình). Các cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện Chương trình. Bộ máy chỉ đạo, quản lý, thực hiện Chương trình các cấp được kiện toàn, hoạt động có nền nếp, hiệu quả. Tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, do đó, Chương trình xây dựng NTM có nhiều thuận lợi.

Trong giai đoạn tiếp theo 2016 - 2020, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện Chương trình; kịp thời ban hành những cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các chính sách sát với thực tiễn có tác dụng thiết thực trở thành động lực thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện Chương trình. Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và cấp huyện, cấp xã đã tích cực vào cuộc tổ chức thực hiện hoàn thành những tiêu chí chưa đạt chuẩn theo kế hoạch.

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh tổ chức 373 lớp tập huấn cho hàng chục nghìn lượt cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp; tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm nhiều mô hình tốt, cách làm hay, tiêu biểu ở trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố và các xã cũng đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM tại địa phương đi học tập kinh nghiệm tại các xã, huyện tiêu biểu ở trong và ngoài tỉnh. Thông qua đào tạo, tập huấn, lực lượng cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, nhất là cấp xã nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành, kỹ năng thực hiện các nội dung xây dựng NTM để vận dụng vào thực tế địa phương.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền xây dựng NTM, hằng năm bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện; các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, tổ chức có hệ thống. Qua 10 năm xây dựng NTM, công tác tuyên truyền, vận động đã được triển khai, thực hiện với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn, xuất bản chín cuốn tài liệu với nội dung tuyên truyền về NTM với tổng số hơn 40 nghìn bản, phát hành rộng rãi nhiều tài liệu tuyên truyền về NTM. Báo Vĩnh Phúc, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh đăng tải nhiều tin, bài, ảnh, phóng sự, phỏng vấn; xây dựng chuyên trang "Xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc". Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xây dựng hàng nghìn mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng gắn với xây dựng NTM; Ủy ban MTTQ tỉnh biên soạn và phát hành các bản tin tuyên truyền về nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Các đoàn thể tổ chức vận động cán bộ, hội viên tham gia Chương trình xây dựng NTM, tạo phong trào thi đua sôi nổi trên toàn tỉnh.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện phong trào thi đua "Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới", nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về "Công cuộc xây dựng nông thôn mới" ngày càng sâu sắc hơn; huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm chính trị ngày càng cao; những cách làm hay, những điển hình tiên tiến, những bài học kinh nghiệm được phổ biến, nhân rộng; huy động được nguồn lực không nhỏ từ cộng đồng dân cư tham gia đóng góp thực hiện Chương trình; giúp các ngành chức năng kịp thời điều chỉnh những bất cập về cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện, tạo môi trường thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM từng bước được xác định rõ, qua đó đã khuyến khích, động viên được người dân tham gia đóng góp các nguồn lực tham gia xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn được tổ chức kịp thời, đúng đối tượng với thời gian phù hợp, hình thức, nội dung phong phú, đã góp phần làm thay đổi tích cực nhận thức của cán bộ, nhân dân trong quá trình thực hiện Chương trình. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ban hành và triển khai kịp thời; các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được từng bước nhân rộng; công tác ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được triển khai trên tất cả các lĩnh vực; đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả. Qua đó đã góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đúng hướng, chất lượng và hiệu quả sản xuất được nâng cao, nhất là các sản phẩm thế mạnh của tỉnh.


Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở Vĩnh Phúc được đổ bê-tông và mở rộng, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp

Giai đoạn 2016 - 2019, đã có nhiều cơ chế chính sách đột phá trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, vệ sinh môi trường; công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành ngày càng quyết liệt và sâu sát, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chất lượng các tiêu chí NTM ngày càng được nâng cao và thực chất, tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả xây dựng NTM ngày càng được nâng cao.

Toàn bộ các xã được quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch NTM. Hệ thống điện lưới, viễn thông, hạ tầng thương mại nông thôn được đầu tư đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất, nhu cầu đời sống và giao lưu hàng hóa của nhân dân. Ðến hết tháng 9-2019, có 98,2% số trung tâm văn hóa xã và 99,2% số nhà văn hóa thôn đạt chuẩn theo quy định. Giáo dục - đào tạo được quan tâm đặc biệt, năm 2018, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học phổ thông, bổ túc, trung cấp của tỉnh đạt hơn 97%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,1%. Hệ thống trường học các cấp được đầu tư xây dựng, trang thiết bị dạy và học đồng bộ, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 96,6%. Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm còn dưới 8,5%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn dưới 12%. Tỷ lệ người dân tham gia các loại hình bảo hiểm y tế đạt 91,56%. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn có bước đột phá lớn, từng bước làm thay đổi nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%, trong đó tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 57,5%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải đạt 73%.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt kết quả tốt. Hệ thống chính trị vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Năm 2018, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn chiếm 98,5%; tỷ lệ xã đạt tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh đạt 98%.

10 năm qua, toàn tỉnh đã huy động hơn 12 nghìn tỷ đồng cho Chương trình xây dựng NTM, trong đó ngân sách trung ương chỉ chiếm 0,78%; ngân sách địa phương chiếm 60,83%. Người dân và cộng đồng đóng góp hơn 634 tỷ đồng, chiếm 4,92%. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương ưu tiên nguồn lực thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM, đến nay trên địa bàn tỉnh không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Tỉnh ưu tiên, tập trung bố trí kinh phí và phân bổ kịp thời cho các xã triển khai thực hiện. Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đã triển khai các cơ chế chính sách tín dụng phục vụ Chương trình, do đó đã huy động tốt nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các hoạt động an sinh xã hội.

Công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình được tỉnh quan tâm, thực hiện thường xuyên, qua đó kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xây dựng NTM tại cơ sở, giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng để theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư, góp phần quan trọng trong việc thực thi dân chủ của người dân tham gia xây dựng NTM và bảo đảm thực hiện nghiêm các cơ chế, quy định về quản lý đầu tư thực hiện Chương trình.

Dự kiến đến hết tháng 9 có 107 trong số 112 xã đạt chuẩn NTM chiếm 95,5% (hoàn thành 100% mục tiêu Chương trình đề ra đến năm 2020), tăng 39 xã so năm 2015, bình quân số tiêu chí đạt/xã là 18,9 tiêu chí. Có ba huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cơ bản Vĩnh Phúc đã trở thành tỉnh đạt chuẩn NTM từ năm 2017, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 16 (2015 - 2020) đề ra.

Bộ mặt nông thôn Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu có sự chuyển dịch tích cực; sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần người dân từng bước được nâng lên. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 38,28 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo tiếp cận đa chiều còn 2,11%.

Ðồng chí Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Vĩnh Phúc rút ra những kinh nghiệm hết sức quan trọng. Ðó là: Coi trọng việc xây dựng, triển khai các mô hình điểm, qua đó đúc kết những cách làm hay, ý tưởng sáng tạo, phù hợp thực tiễn, làm cơ sở bảo đảm sự thành công khi triển khai Chương trình trên diện rộng. Công tác chỉ đạo, điều hành luôn sâu sát, quyết liệt, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng ngành, thúc đẩy sự sáng tạo trong quá trình thực hiện của mỗi địa phương. Vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền nhất là cán bộ chủ chốt có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực tiễn cho thấy, ở địa phương nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thật sự tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt sẽ tạo ra kết quả rõ nét trong thực hiện Chương trình. Các cấp ủy đảng, chính quyền luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình; kịp thời khen thưởng động viên những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, phê bình, uốn nắn những tổ chức, cá nhân làm chưa tốt nhằm khích lệ các cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân tích cực thực hiện Chương trình; hằng năm tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện cho những năm tiếp theo đạt hiệu quả.

Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã đạt chuẩn NTM; thực hiện xây dựng các thôn dân cư ở các xã đạt chuẩn thành các thôn dân cư NTM kiểu mẫu, quyết tâm xây dựng nông thôn Vĩnh Phúc phát triển mạnh về kinh tế, văn minh, hiện đại.

Bài, ảnh: Minh Ngọc/Báo Nhân dân điện tử

Tin cùng chuyên mục