Hưng Yên là tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, đất chật người đông, trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp đang đầu tư đạt hiệu quả rất cao, giúp cho quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh, nhưng cũng làm tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nan giải, nhất là tình trạng nước và rác thải sinh hoạt dân cư tăng nhanh, vượt quá khả năng thu gom, xử lý của các cấp ngành chuyên môn, làm tăng diện tích bãi chôn lấp rác tập trung, ảnh hưởng tới quỹ đất canh tác của nhà nông.
Bể xây kiên cố để xử lý rác tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hú ở xã Tam Đa, huyện Phù Cừ. Ảnh: Hải Tiến.
Trước những thực trạng trên, Sở TN-MT Hưng Yên đã tham mưu giúp lãnh đạo tỉnh nhiều giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường như xây dựng và triển khai các mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đinh, "Nhà sạch ngõ sạch", "Nhà sạch, vườn sạch", "Tuyến đường không rác" và phát động phong trào "Câu lạc bộ phụ nữ nói không với túi nilon nội trợ"...
Để làm tốt các mô hình, tỉnh Hưng Yên đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; giao Sở TN-MT và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp làm nòng cốt tổ chức thực hiện; lồng ghép các mô hình vệ sinh môi trường với các đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn. Đồng thời tranh thủ mọi sự đầu tư hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung.
Nhớ lại những năm đầu triển khai làm điểm mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đinh tại xã Tam Đa, ông Lê Xuân Mai, Trưởng phòng TN-MT Phù Cừ cho biết, bên cạnh mở lớp tập huấn kỹ thuật phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại huyện, ông còn phải cùng các tổ chức đoàn thể của xã đến từng gia đình vận động, hướng dẫn người dân thực hiện và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, đề nghị UBND huyện trích ngân sách mua thùng và chế phẩm vi sinh cấp phát cho các hộ thực hiện thí điểm mô hình xử lý rác hữu cơ. Nhờ đó, phong trào đã từng bước hoạt động có nề nếp, đạt hiệu quả tốt và nhanh chóng lan toả ra toàn huyện.
Kết quả, tới hết năm 2023, đã có 85,2% số hộ ở 14/14 xã, thị trấn của huyện Phù cừ thường xuyên thực hiện phân loại, xử lý rác sinh hoạt hữu cơ tại gia đình, giúp giảm khoảng 70% lượng rác xả thải ra môi trường hoặc 22,2 tấn rác hữu cơ/ngày.
Tương đương mỗi năm các nhà nông trong huyện có 700 tấn phân hữu cơ vi sinh tự chế cho chăm bón các loại cây trồng, giảm đáng kể diện tích đất dành cho chôn lấp rác tập trung. Đây là con số có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, đặc biệt là ý nghĩa về môi trường, giúp cho bộ mặt làng quê ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.
Phát huy kết quả đạt được, từ năm 2022, UBND huyện Phù Cừ tiếp tục dành ngân sách xây dựng 5 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt dân cư tại các xã Đoàn Đào, Phan Sào Nam, Nhật Quang, Đình Cao và Tam Đa. Mỗi xã tiến hành làm điểm 50 hộ xả thải nhiều nước sinh hoạt nhất, dễ gây ô nhiễm nhất, công suất xử lý 50m3/điểm xử lý/ngày đêm.
Bước đầu, mô hình đã đạt được các mục đích, yêu cầu đề ra, nước thải sinh hoạt dân cư sau xử lý không còn khả năng gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, phong trào "Hội Phụ nữ nói không với túi nilon nhựa nội trợ" cũng thu được kết quả khá tốt. Kế hoạch đến hết năm 2024 này, huyện Phù Cừ phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về bảo vệ môi trường, đặc biệt là về thực hiện phân loại, xử lý rác sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình, đồng thời phấn đấu mỗi xã xây dựng được 2 điểm xử lý nước thải sinh hoạt dân cư tập trung.
Tuyến đường không rác ở xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm. Ảnh: Hải Tiến.
Nét mới trong phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn của huyện Phù Cừ thời gian gần đây là ưu tiên thúc đẩy xây bể hoặc dùng thùng chuyên dụng để xử lý rác sinh hoạt tại hộ gia đình thay vì đào hố xử lý rác trong vườn nhà như nhiều năm trước nhằm đảm bảo đảm việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn được lâu dài.
Thành công trong phong trào "Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình" của huyện Phù Cừ đã trở thành hình mẫu thu hút các địa phương khác đến tham quan học tập và thực hiện. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng TN-MT, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đài Truyền thanh huyện Kim Động đã phối hợp phổ biến cách thức phân loại, xử lý rác sinh hoạt tới các hộ dân trên địa bàn. Kết hợp tổ chức 17 lớp tập huấn cho gần 2.000 hội viên tại 4 xã (Hiệp Cường, Song Mai, Đức Hợp, Chính Nghĩa) thực hiện mô hình điểm.
Nhờ đó đến nay, toàn huyện đã có hơn 2.200 hộ trong mô hình và gần 1.000 hộ ngoài mô hình đang làm rất rất tốt phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nguồn, hiện phong trào đang lan nhanh ra khắp các xã, thị trấn trong huyện. Cũng tại huyện Kim Động, năm 2018, Sở TN-MT Hưng Yên đã triển khai thành công mô hình xử lý nước thải sinh hoạt dân cư cho 50 hộ tại xã Chính Nghĩa, công suất xử lý đạt 25m3 nước thải/ngày đêm.
Đáng chú ý trong phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình ở huyện Kim Động nói riêng, tỉnh Hưng Yên nói chung là hầu hết các mô hình đều đưa vào sử dụng chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO) tự chế cho xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ của gia đình. Trước đó, các hộ này đã được hướng dẫn thuần thục cách tự tạo IMO.
Ưu điểm của chế phẩm vi sinh vật bản địa tự chế là rẻ tiền, dễ tìm kiếm, ngoài xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình còn cho phép dùng IMO xử lý đất canh tác, khử mùi hôi cống rãnh, chuồng trại, ủ phân gia súc gia cầm thành phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng. Đây cũng là một trong những cách làm bền vững, hiệu quả, vừa không gây ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra số lượng lớn phân hữu cơ vi sinh chất lượng tốt cho thâm canh ngô, lúa, rau màu và cây ăn trái.
Mô hình nhà sạch, ngõ sạch ở xã Tân Dân, huyện Khoái Châu. Ảnh: Hải Tiến.
Vào thăm huyện Khoái Châu, chúng tôi cũng thấy địa phương này xây dựng thành công một số mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, làm tiền đề vững chắc cho nhân rộng ra khắp các xã trên địa bàn huyện. Đồng thời trong quý II/2024 này, huyện sẽ và đưa hệ thống xử lý nước sinh hoạt dân cư tại xã Bình Minh vào hoạt động, công suất xử lý 450m3/ngày đêm, đảm bảo xử lý cho 800 hộ dân trong xã. Có công trình này là do địa phương tranh thủ được nguồn vốn quốc tế của Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ 100%.
Ngoài ra, các mô hình "Nhà sạch, vườn sạch", "Nhà sạch ngõ sạch", "Tuyến đường không rác" cũng được triển khai rộng khắp các xã trong tỉnh và đạt được rất nhiều thành công. Điển hình như các huyện Khoái Châu, Yên Mỹ, Ân Thi, thị xã Mỹ Hào đã có 40% sô hộ dân các địa phương này được gắn biển "Nhà sạch, vườn sạch", "Nhà sạch ngõ sạch" hoặc "Tuyến đường không rác".