Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn (đường thôn, đường nội đồng, hệ thống cầu,…) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ngày 20/11/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 55/2020/NQ-HĐND về thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 – 2025.

Kết quả thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2010-2020 (tuyến đường bê tông nông thôn qua thôn Đồng Cọ, xã Nhân Mục, Hàm Yên)

Theo nội dung Đề án được thông qua tại Nghị quyết số 55/2020/NQ-HĐND, tỉnh Tuyên Quang xác định mục tiêu đến năm 2025: Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện hệ thống cầu trên đường giao thông nông thôn; tiếp tục thực hiện chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” ở những nơi có đủ điều kiện thực hiện và đảm bảo chất lượng công trình, tạo thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trong các thôn, tổ nhân dân trên địa bàn tỉnh; phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi, phục vụ sản xuất, đảm bảo lưu thông hàng hóa, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Cũng theo nội dung Đề án, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025 thực hiện bê tông hóa ít nhất 1.080 km đường thôn và đường nội đồng, trong đó:  Đường thôn: 620 km, nâng tỷ lệ bê tông hóa đường thôn trên địa bàn toàn tỉnh sau khi thực hiện theo đề án này đạt trên 80%; đường nội đồng: 460 km, nâng tỷ lệ bê tông hóa đường nội đồng trên địa bàn toàn tỉnh sau khi thực hiện theo đề án này đạt trên 60%. Đồng thời thực hiện xây dựng ít nhất 200 cầu, hằng năm căn cứ tiến độ thực hiện, nhu cầu cấp thiết của người dân và khả năng cân đối nguồn lực tài chính sẽ xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Đề án đề ra phương thức tổ chức thực hiện bê tông hóa đường đường thôn và đường nội đồng theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, cụ thể: Nhà nước hỗ trợ: Xi măng, ống cống và chi phí vận chuyển, bốc xếp đến địa điểm thi công gần nhất ô tô có thể đến được; kinh phí thuê máy trộn bê tông: 20 triệu đồng/km đối với đường thôn; 15 triệu đồng/km đối với đường nội đồng (kinh phí trên đã bao gồm: Cung cấp và vận chuyển máy đến chân công trình; chi phí nhiên liệu để vận hành máy trong quá trình thi công; chi phí nhân công vận hành máy); kinh phí cho công tác quản lý 02 triệu đồng/km. Đóng góp của nhân dân: Tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng; đóng góp ngày công lao động, máy, thiết bị phục vụ thi công, vật tư, vật liệu và tự tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượng. Điều kiện đầu tư, nhân dân tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng trong phạm vi thi công đường; đồng thời khảo sát từng tuyến đường, tính toán, thông nhất đóng góp ngày công lao động, máy, thiết bị phục vụ thi công, vật tư, vật liệu va tự tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượng.

Đối với xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, nhà nước đầu tư 100% kinh phí  dựng; nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng trong phạm vi xây dựng cầu, đường dẫn và đường kết nối. Điều kiện đầu tư, nhân dân tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng trong phạm vi xây dựng cầu và đường dẫn, đường kết nối.

Để tổ chức triển khai thực hiện, Đề án xác định 06 giải pháp chủ yếu: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; tăng cường công tác tuyên truyền; bảo đảm nguồn lực tài chính và nhân lực; bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn; đảm bảo an toàn giao thông trên đường giao thông nông thôn và giải pháp về bảo vệ môi trường.

Đề án được thông qua đã xác định rõ khối lượng, cơ cấu nguồn vốn, đồng thời phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh có liên quan, gắn với việc thành lập Ban Chỉ đạo các cấp (tỉnh, huyện, xã), chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong việc chung tay, góp sức đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Đồng thời phân cấp tổ chức thực hiện đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và ngành chuyên môn. Khẳng định vai trò quan trọng của Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ngành để tổ chức phổ biến, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án; coi đây là một nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của giai đoạn 2021 - 2025, tạo thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong các thôn, xóm, bản, tổ nhân dân trên địa bàn tỉnh; tích cực giám sát cộng đồng đối với các hoạt động xây dựng phát triển hạ tầng giao thông nông thôn.

Tuyến đường nội đồng tại thôn Tiến Thắng, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) được bê tông hóa theo Đề án bê tông hóa đường giao thông nội đồng giai đoạn 2016-2020.

Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 – 2025 là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường kết nối hệ thống giao thông nông thôn, bảo đảm giao thông vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt, giao thương,…; đồng thời kết nối các tuyến đường giao thông nông thôn với các tuyến trục chính trên địa bàn, từng bước xóa bỏ các điểm cách trở do suối, ngòi,…; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại an toàn trong cả mùa mưa lũ và phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thương hàng hóa, xóa bỏ chia cắt cộng đồng, kết nối liên vùng.

Có thể khẳng định, Đề án được thông qua và tổ chức thực hiện có tác động quan trọng, tạo điều kiện hoàn thiện hệ thống giao thông ở khu vực nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, vận tải hàng hóa, giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện tiêu chí giao thông thuộc Chương trình mục tiêu quốc  gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025./.

Trần Gia Lam/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục