Sức bật mới trong phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Hàm Yên

TQĐT - Những năm gần đây, kinh tế trang trại ở huyện Hàm Yên có sự phát triển vượt bậc, nhiều cách nghĩ, nếp làm của người nông dân được đổi thay, tạo nên sức bật mới trong phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Tỷ phú nông dân 


Trang trại cam của gia đình ông La Văn Hiệp, 
thôn Lăng Đán, xã Phù Lưu (Hàm Yên).

Lập nghiệp nơi ngọn nguồn suối Nguyễn, từ một nông dân nghèo, anh Hà Văn Nhất thôn 4 Thống Nhất, xã Yên Phú chọn hướng làm trang trại từ cây cam. Vốn ít, vợ chồng anh đầu tư trồng 200 gốc cam sành.

Cây cam hợp đất, hợp thổ nhưỡng ở Yên Phú nên phát triển tốt, chỉ trong 3 năm đã bắt đầu cho ra những lứa quả đầu tiên, giúp gia đình anh vơi đi mối lo kinh tế thường ngày, gần 10 ha được anh dành để trồng cây cam sành với khoảng 4.000 gốc cam. Đến nay, ngoài 4.000 gốc cam sành, gia đình anh Nhất còn đang duy trì 1.000 gốc cam V2, cam canh, canh Vinh và quýt Phổ Quỳ.

Trang trại của gia đình anh Nhất còn trở thành mô hình ứng dụng quy trình sản xuất cam an toàn theo hướng VietGAP, cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng cho thị trường tiêu dùng. Mỗi vụ cam gần đây, gia đình anh Nhất thu về 1 tỷ đồng. Bên cạnh cây cam, 13 ha rừng của gia đình anh Nhất cũng hứa hẹn một nguồn thu đáng kể trong những năm tới.

Tại thôn 65, xã Yên Lâm, cái tên ông chủ trang trại Trình Ngọc Huynh còn được người dân gắn với tên “Sao thần nông”. Hiện trang trại của gia đình ông Huynh là 50 ha, cùng với cây cam là chủ đạo, trang trại có thêm quýt, cây keo và nuôi thả cá.

Là người đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây cam sành tại Hàm Yên, nên vườn cam của gia đình ông Huynh luôn cho sản phẩm chất lượng cao. Tổng doanh thu từ cam của gia đình ông trung bình mỗi năm đạt trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức lương từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng; ngoài ra lao động thời vụ là con em đồng bào dân tộc mà lúc cao điểm lên tới 40 người. 

Như người “anh cả” trong nghiệp trồng cam ở Hàm Yên, ông Trình Ngọc Huynh đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh tặng bằng khen; được tuyên dương là nhà vườn sáng tạo tại Festival trái cây lần thứ nhất. Năm 2013, ông Huynh được vinh danh “thần nông”; năm 2014, ông nhận giải thưởng “Sao thần nông - cho mùa bội thu”. 

Tiếp tục nhân rộng mô hình kinh tế trang trại

Theo Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên Nguyễn Mạnh Tường, toàn huyện có khoảng 140 trang trại, nổi lên những triệu phú nông dân như: ông Nông Văn Lâm, thôn Pá Han, xã Phù Lưu; ông Mai Xuân Đảm, thôn 3 Nắc Con, xã Yên Lâm; ông Trần Xuân Hòa, thôn Bến Đền, xã Bạch Xa; bà Nguyễn Thị Tuyến, thôn 4 Trung Thành, xã Thành Long; ông Lã Văn Quang, thôn 3 Làng Bát, xã Tân Thành... 


Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Lã Văn Quang, thôn 3 Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên).

Sản phẩm của nhiều trang trại (chủ yếu là cam sành) đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn của Hà Nội như BigC, Metro, CoopMart, FiviMax và giao thương với các tỉnh trong cả nước. Nhiều trang trại đã đầu tư cơ sở, hệ thống máy móc, hệ thống tưới; xây dựng chuồng trại chăn nuôi kết hợp với hầm bể biogas đảm bảo vệ sinh môi trường; góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, nâng cao năng suất, tăng sản lượng, chất lượng nông sản phẩm, tăng sản lượng hàng hóa và góp phần xây dựng nông thôn mới. 

Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại theo tinh thần Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, thời gian qua, toàn huyện đã có 50 trang trại đăng ký vay vốn là 25 tỷ đồng. Đã thực hiện giải ngân hơn 10,9 tỷ đồng cho 33 trang trại; đã thực hiện hỗ trợ lãi suất được 126,9 triệu đồng cho 33 trang trại; đã hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 399 triệu đồng cho 4 trang trại...

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện Hàm Yên phấn đấu số lượng trang trại trên địa bàn đạt 167 trang trại, doanh thu trên 180 tỷ đồng/năm; 100% chủ trang trại được tập huấn về thông tin thị trường, kiến thức khoa học - kỹ thuật và quản lý; lao động làm việc thường xuyên tại trang trại được tập huấn kỹ thuật; trên 70% trang trại được hưởng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa và trên 600 ha cam được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Huyện chú trọng đẩy mạnh quy hoạch, hình thành các vùng chuyên canh tập trung gắn với tuyên truyền, khuyến khích người dân đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Cùng với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại về thủ tục hành chính, hướng đầu tư, hỗ trợ xây dựng điện, đường, thủy lợi, khu quy hoạch trang trại... 

Khuyến khích các trang trại liên kết với các Hợp tác xã tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị “sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm”. Tập trung phát triển các sản phẩm đã có nhãn hiệu, thương hiệu, như: cam sành, vịt bầu Minh Hương, chè an toàn, chăn nuôi lợn đen... gắn với du lịch sinh thái; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nhằm phát triển các trang trại gắn với chế biến và tiêu thụ.

Bài, ảnh: Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục