Hình thành các cánh đồng mẫu, tạo vùng sản xuất chuyên canh

TQĐT - Một trong những giải pháp thực hiện Nghị quyết 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 -2025 là thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng mẫu, tạo vùng sản xuất chuyên canh tập trung.

 Nông dân xã Kim Phú, Yên Sơn đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa vụ xuân 2016.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay tỉnh ta đã và đang xây dựng mô hình thí điểm cánh đồng mẫu tại xã An Khang (TP Tuyên Quang), với 40 ha đất lúa của 2 thôn An Lộc A, An Lộc B. Tại đây cánh đồng mẫu được quy hoạch, hình thành những ô thửa lớn, giao thông, thủy lợi nội đồng được cải tạo, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân canh tác. Cánh đồng mẫu không chỉ đưa cơ giới hóa đồng bộ, còn hướng bà con thực hiện theo một quy trình sản xuất đồng nhất, đó là: Cùng một loại giống, cùng thời gian gieo cấy và cùng quy trình chăm sóc (làm đất, phun thuốc trừ cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh). Dưới sự điều hành trực tiếp của HTX, mô hình còn áp dụng “ba giảm, ba tăng”, phun thử nghiệm thuốc sinh học chống rầy, gieo xạ, áp dụng phân viên nén dúi sâu cũng được người nông dân áp dụng thuận lợi hơn. 

Sau mô hình thí điểm cánh đồng mẫu tại xã An Khang, đã manh nha một số mô hình cánh đồng mẫu khác tại xã Kim Phú (Yên Sơn), xã Côn Lôn (Nà Hang). Tuy nhiên, hiệu quả chưa thực sự rõ nét. Một trong những hạn chế của việc xây dựng cánh đồng mẫu tại tỉnh ta là việc dồn điền đổi thửa chưa triệt để khiến diện tích sản xuất tại nhiều địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún, trong khi đó điều kiện để hình thành cánh đồng mẫu là diện tích liền vùng, liền khoảng tối thiểu trong sản xuất giống từ 10 ha trở lên, trong sản xuất thương phẩm từ 20 ha trở lên. 


Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra mô hình nhân giống lạc L14 chọn lọc
tại xã Bình An, huyện Lâm Bình.   Ảnh: P.V

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, công tác dồn điền, đổi thửa đã triển khai ở 88 xã, thị trấn từ năm 2002 đến nay. Theo thống kê, từ năm 2002 đến nay, trong quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa các xã đã để được đất công ích tập trung ở 1.225 khu, với tổng diện tích là 961,91 ha, trong đó đất lúa 837,7 ha; đất trồng cây hàng năm khác là 103 ha và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản 21,21 ha. Tuy nhiên việc dồn điền, đổi thửa vẫn còn nhiều hạn chế. Tại xã Kim Phú (Yên Sơn) - một trong những xã có diện tích lúa chất lượng cao nhất tỉnh, với hơn 200 ha, trong đó diện tích cánh đồng mẫu là hơn 25 ha, kéo dài từ thôn 12 đến thôn 14. Theo anh Đỗ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phú, chủ trương dồn điền đổi thửa xã thực hiện từ năm 2002, nhưng cũng chỉ mới hoàn thành khoảng 70 ha, trong đó chủ yếu là đất công ích 5%. Mong muốn lớn nhất của chính quyền cũng như người dân trong xã là có chính sách hỗ trợ, dồn điền đổi thửa theo kiểu “hợp thửa” tại những diện tích ruộng manh mún, nhỏ hẹp giữa các hộ dân với nhau, từ đó hình thành nên các thửa ruộng có diện tích lớn hơn, thuận tiện cho việc cơ giới hóa sản xuất. 

Việc dồn điền đổi thửa chưa đạt hiệu quả như mong muốn còn do trong cùng một xã lập 2 phương án khác nhau dẫn đến việc không đồng nhất trong chỉ đạo thực hiện, tạo sự hoài nghi, mẫu thuẫn trong nội bộ các thôn, nên đã ảnh hưởng đến kết quả của công tác dồn điền, đổi thửa. Hầu hết các xã thực hiện nội dung quy hoạch kiến thiết đồng ruộng mới dừng lại ở việc xây dựng phương án nhưng chưa triển khai thực hiện phương án ngoài thực địa. Công tác hoàn thiện hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình cá nhân sau dồn điền, đổi thửa chưa được thực hiện nên trên thực tế hiện nay, diện tích, số thửa các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đã thay đổi về diện tích, số thửa ghi trong giấy chứng nhận đã cấp trước đây. Đa số các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ manh mún, đây là cản trở lớn trong việc tổ chức sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh việc cơ giới hóa và ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Thêm vào đó, điều kiện để hình thành cánh đồng mẫu phải liên kết được 4 nhà trong sản xuất, từ cung ứng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến thẳng người nông dân, không qua trung gian và doanh nghiệp thu mua lúa hoặc doanh nghiệp đứng ra tổ chức khép kín các khâu, từ cung ứng đầu vào đến bao tiêu đầu ra cho nông dân. Để khắc phục tình trạng này, ngày 17-7-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10 về mức hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các tổ chức, cá nhân, tổ chức đại diện của nông dân được hỗ trợ từ 30% đến 100% các chương trình trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn, như chi phí mua cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, quy hoạch, cải tạo hệ thống kênh mương, thủy lợi, chi phí tập huấn kiến thức cho nông dân... 

Mục tiêu của ngành nông nghiệp đến năm 2020, tổng giá trị nông sản hàng hóa chủ lực chiếm 60% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác gấp 1,6 lần so với năm 2015. Việc thực hiện mô hình cánh đồng lớn sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đây có thể nói là bước đột phá, là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới thành công.

Bài, ảnh: Nguyễn Đạt 

Tin cùng chuyên mục