Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản: Phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững

Từ 1 tỉnh nghèo, sản xuất manh mún, đặc biệt chưa có tên trên bản đồ hàng hóa nông nghiệp toàn quốc, Tuyên Quang hôm nay đã khẳng định được vị thế, một số sản phẩm nông nghiệp đã có mặt trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Những con số biết nói

Theo báo cáo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2015 đến nay, kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 8.768 tỷ đồng, tăng bình quân 4,17%/năm; tỷ lệ che phủ của rừng tăng từ 63% lên 65%. Năm 2015 toàn tỉnh mới có 6 xã về đích nông thôn mới (NTM) thì năm 2019 đã lên đến 36 xã, dự kiến đến hết năm 2020 có 41 xã đạt chuẩn NTM, có ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%. 


Dây chuyền sản xuất chè của Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm.

Tỉnh đã thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên các lĩnh vực. Trồng trọt chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo các tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng, bền vững, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có trên 700 ha cam VietGAP, 30 ha cam theo hướng hữu cơ (PGS); 70 ha chè VietGAP, 702 ha chè tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững (SAN); trên 25.300 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ (FSC). Đây là tiền đề cho nông, lâm sản Tuyên Quang tiến chắc trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn tỉnh có 47 nhãn hiệu nông sản hàng hóa, trong đó một số sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường, có mặt trên các sàn giao dịch, hệ thống siêu thị các tỉnh, thành phố lớn, như: chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017”, chè đặc sản Vĩnh Tân, Tân Trào (Sơn Dương) được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2017”; cam sành Hàm Yên 2 lần được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” vào các năm 2017 và năm 2019; bưởi Xuân Vân đứng TOP 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018. Riêng đối với 2 sản phẩm: Chè xanh, chè đen và sản phẩm gỗ qua chế biến đã xuất khẩu vào thị trường các nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ. 

Ngành chăn nuôi của tỉnh đã phát triển theo hướng tập trung quy mô lớn với sự hình thành các doanh nghiệp, trang trại, gia trại an toàn dịch bệnh. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 10 doanh nghiệp, 20 hợp tác xã, 267 trang trại và 117 tổ hợp tác chăn nuôi. Sản lượng thịt hơi tăng 5,4%/năm; năng suất, sản lượng sữa tươi tăng đột phá 13,4%/năm, gấp 1,8 lần so với năm 2015. 

Sản xuất lâm nghiệp của tỉnh phát triển tương đối bền vững, với trên 25.300 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, cao nhất cả nước. Để nâng cao năng suất, giá trị gỗ rừng trồng, nhiều chính sách, dự án phát triển rừng đã được ban hành và triển khai như: Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao phục vụ trồng rừng gỗ lớn và rừng nguyên liệu giấy; Dự án xây dựng, phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh, từ đó đã khuyến khích người dân đầu tư phát triển rừng. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh trồng mới trên 11.000 ha rừng; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 840.000 m3/năm, đứng thứ nhất khu vực miền núi phía Bắc.

Kinh tế Hợp tác xã (HTX) cũng có bước phát triển, từng bước đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Toàn tỉnh có 267 HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng 98 HTX so với năm 2015. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông sản hàng hóa, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Phát triển nông nghiệp hàng hóa, tỉnh cũng ưu tiên, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn, phục vụ sản xuất. Từ năm 2015 đến nay, đã có 510 km đường nội đồng, 888 nhà văn hóa, 30 chợ nông thôn, 176 công trình thủy lợi được xây dựng; thực hiện kiên cố 847 km kênh mương bằng cấu kiện đúc sẵn...

Giải pháp cho năm về đích

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt,  bên cạnh kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn còn những hạn chế như nông sản hàng hóa được sản xuất theo tiêu chuẩn còn ít; năng lực các HTX chưa thực sự vững mạnh; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế...


Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa ở xã Kim Phú (Yên Sơn).

Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, đảm bảo giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4%/năm, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu lợi thế như trồng, khai thác gỗ rừng sản xuất; phát triển chăn nuôi và một số sản phẩm trồng trọt có lợi thế, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách của Nhà nước về hỗ trợ cây lâm nghiệp chất lượng cao; đề xuất cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn phát triển rừng bền vững quốc tế FSC đối với diện tích rừng có đủ điều kiện. Đồng thời mở rộng quy mô đàn bò (bao gồm cả bò thịt và bò sữa); phát triển mô hình chăn nuôi trâu nhốt chuồng theo hình thức vỗ béo; mở rộng diện tích áp dụng kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đối với cây cam, bưởi, chè…

Ngành cũng phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu nông sản Tuyên Quang, thực hiện chuẩn hóa đối với 74 sản phẩm nông nghiệp. Hiện tại ngành đã hỗ trợ và thực hiện cấp giấy chứng nhận hàng hóa cho 47 sản phẩm, trong đó có 37 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục làm tốt vai trò của cơ quan thường trực trong xây dựng NTM, tham gia, phối hợp với các sở, ngành chức năng thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; huy động nguồn lực xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Bài, ảnh: Đoàn Thư/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục