Đổi thay ở Nà Đồn

Thôn Nà Đồn cùng với các thôn khác của xã Thanh Tương (Na Hang) đang dồn sức phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2020. Từ phong trào xây dựng NTM đã tạo cho Nà Đồn có sức bật mới, đời sống người dân ngày càng đi lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang.

Thôn Nà Đồn nằm ở vị trí trung tâm xã Thanh Tương có 107 hộ với gần 500 nhân khẩu. Mấy năm trở lại đây bộ mặt của thôn đổi thay nhanh chóng nhiều nhà cao tầng mọc lên, hàng quán sầm uất. Nói về sự đổi thay của thôn, ông Hoàng Thế Dư, Trưởng thôn Nà Đồn nhẩm đếm, đến nay thôn có tới hơn 20 hộ gia đình xây được nhà cao tầng trị giá trên, dưới cả tỷ đồng. Dọc tuyến đường trục chính của thôn khoảng chừng 400 m nhưng có tới gần 20 hộ kinh doanh dịch vụ các loại, trong đó có 4 đại lý thuộc lớn. Hàng quán, dịch vụ ở đây có đủ hết từ đồ điện tử, máy nông cụ, tạp hóa… người dân muốn mua sắm chẳng cần phải đi đâu xa. Đến nay, thôn có trên 50% hộ khá giàu, tỷ lệ hộ nghèo của thôn dưới 10%. Thu nhập bình quân đầu người trên 33 triệu đồng/người/năm. Lúc mới tiếp nhận chủ trương của xã sẽ phấn đấu hoàn thành NTM vào năm 2020, ông Dư cho rằng, tiêu chí đáng lo nhất là tỷ lệ hộ nghèo và tiêu chí thu nhập thì nay đã sớm hoàn thành. 


Nhờ tích cực xây dựng nông thôn mới, diện mạo của thôn ngày càng đổi thay, nhiều hộ đã xây được ngôi nhà khang trang.

Lý giải về sự đi lên của quê mình, nhiều người cho rằng bà con trong thôn đã có bước chuyển lớn về nhận thức trong cách thức làm ăn. Nhờ tập trung chăn nuôi lợn trong thôn có hàng chục hộ giàu lên. Ban đầu chỉ có một vài hộ nhận thấy hiệu quả, nhiều hộ đã làm theo. Cách thức chăn nuôi ở đây không có gì đặc biệt, nhưng bà con xác định đó là một nghề không thể bỏ, khi lợn xuống giá hay lên giá lúc nào cũng phải duy trì. Thường thì các hộ có quy mô tổng đàn từ 50 đến dưới 100 con. Hầu hết các gia đình nuôi lợn to rồi mới bán, thậm chí có con to đến 2,5 tạ. Điển hình về nuôi lợn giỏi của thôn có hộ gia đình anh Hoàng Đức Tâm, gia đình chị Hoàng Thị Tuyên. Hiện số lợn trong chuồng của gia đình anh Tâm có đến hơn 20 con lợn nặng cỡ 2 tạ/con. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay thì mỗi con lợn đã có số tiền 14 triệu đồng. Những hộ gia đình chăn nuôi như anh Tâm, chị Tuyên đều đã xây được nhà trị giá cả tỷ đồng. 

Thời gian gần đây, người dân Nà Đồn theo nhau đi làm thợ xây dựng, lao động ở các công ty trong và ngoài tỉnh. Tính ra thời điểm hiện tại thôn có đến hơn 100 người đi làm xa, chiếm tới gần 1/4 dân số của thôn. Thời điểm đầu do bà con nhận thấy nhu cầu về xây dựng của người dân trong thôn, trong xã tăng, công việc lại khá ổn định, thu nhập cũng khá nên được rất nhiều người học việc và đi làm nghề xây dựng. Hết việc trong thôn, trong xã thì sang các xã khác, thậm chí xuống cả thành phố làm. Có thể nói, công việc thợ xây trong thời điểm gần đây là khá “phất” bởi nhu cầu xây dựng trên địa bàn huyện tăng khá nhanh, do kinh tế nhiều hộ khá lên, hơn nữa đa phần các hộ không còn có thói quen làm nhà gỗ để ở mà chủ yếu là làm nhà xây. Anh Hoàng Thế Dư, Trưởng thôn Nà Đồn cho rằng, thu nhập từ những người đi lao động ở các công ty và đi làm thợ xây là cao hơn làm ruộng, lại ổn định. Nhờ tích cực chăm chỉ làm ăn mà nhiều hộ đã xây được những ngôi nhà khang trang. Mấy năm gần đây, trong thôn lúc nào cũng có vài nhà xây mới, mỗi ngôi nhà thường phải vài trăm triệu đồng trở lên.


Bà con thôn Nà Đồn, xã Thanh Tương làm đường bê tông nội đồng.

Nói về xây dựng NTM ở Nà Đồn cơ bản là thuận lợi, bởi lẽ nhận thức của người dân về NTM rất rõ. Mọi việc của thôn từ đóng góp làm đường bê tông, xây dựng nhà văn hóa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm bà con đều thực hiện nghiêm túc. Con số 100% hộ gia đình của thôn đều đạt danh hiệu Gia đình văn hóa cũng đã nói lên điều đó. Năm 2018, thôn đã hoàn thành Nhà văn hóa với số tiền mỗi hộ đóng góp 1,6 triệu đồng. Hiện 100% đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa với tổng chiều dài 2,1 km, hệ thống kênh mương cơ bản đã được cứng hóa. Thôn đã thành lập được đội tự quản về an ninh trật tự. Hàng tháng, thôn tổ chức 2 buổi vệ sinh đường làng ngõ xóm, rác thải sinh hoạt đã được Công ty môi trường tới thu gom hàng ngày.

Cách đây 5 năm, Nà Đồn vẫn có tới hơn 40% hộ dân thuộc diện hộ nghèo. Đúng là có sự đổi thay rất lớn, bà con ai cũng chăm chỉ làm ăn, phấn đấu kiến thiết nhà cửa khang trang. Trước đây thôn không có hàng quán lớn, nay thì hàng quán ngày càng mở rộng cả về quy mô, số lượng. Hiện trong thôn có tới 2 hàng ăn, điều đó cho thấy mức sinh hoạt của người dân tăng lên rất nhiều. 

Rời Nà Đồn, đi qua cổng trường Tiểu học, bà con đang tập trung đón con em mình tan học. Chợt nhớ lời ông Hoàng Thế Dư, Trưởng thôn nói rằng, cái được lớn nhất của Nà Đồn chính là sự đổi thay về nhận thức, cách nghĩ, cách làm và cả trong cách giáo dục, chăm lo cho con cái.

Bài, ảnh: Thanh Phúc/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục