Hướng đi đúng từ cây lạc ở Phúc Sơn

Có điều kiện tự nhiên phù hợp cho phát triển cây lạc, đặc biệt về đất đai để phát triển sản xuất lạc hàng hóa. Những năm qua xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa đã chú trọng tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thâm canh, đưa các giống lạc có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Năm nay, cây lạc được mùa, được giá, bà con nông dân càng thêm phấn khởi.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra năng suất và chất lượng giống lạc L14 tại xã Phúc Sơn

Phúc Sơn đang là địa phương có diện tích trồng lạc lớn nhất của huyện Chiêm Hóa với trên 680 ha (chiếm 25,1% diện tích toàn huyện), sản lượng trên 2.200 tấn/năm. Với nhiều lợi thế về “địa lợi, nhân hòa”, xã đang có điều kiện để phát triển vùng sản xuất lạc tập trung, mở ra hướng đi hiệu quả, an toàn cho người dân địa phương. Bên cạnh phát huy những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho cây lạc sinh trưởng, những năm qua, để phát triển vùng lạc hàng hóa tại địa phương, xã Phúc Sơn đã tăng cường thí điểm, hỗ trợ người dân đưa những giống lạc mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Xã cũng chủ động thực hiện  thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa gắn giảm tổn thất sau thu hoạch, nhằm từng bước nâng cao năng suất cây lạc lên 33 tạ/ha, gia tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

HTX Nông lâm nghiệp Phúc Sơn hiện đang giữ vai trò chủ lực trong việc chuyển giao kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm lạc cho người trồng lạc trong xã. Ông Ma Phúc Giải, Giám đốc HTX cho biết, mỗi năm HTX thu mua xấp xỉ 300 tấn lạc tươi của thành viên, hộ nông dân, với giá bình quân dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, cao hơn so với giá các tiểu thương thu mua từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Hiện nay, sản phẩm lạc của HTX Phúc Sơn đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu chủ yếu dựa vào tư thương, qua nhiều bước trung gian nên giá trị gia tăng chưa cao và không ổn định. Để mở rộng thị trường, HTX đã thành lập thêm một tổ hợp tác nằm trong HTX, tổ chức thu mua lạc sấy khô và cung cấp cho người tiêu dùng tại một số tỉnh như Ninh Bình, Cao Bằng…

Bên cạnh hoạt động của HTX Phúc Sơn, xã đã thành lập 2 tổ hợp tác phát triển sản xuất tại thôn Phiêng Tạ và thôn Búng Pẩu với gần 40 hộ tham gia. Các đơn vị đều phát triển sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo các quy trình sản xuất sạch, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, tham gia tổ sản xuất, các hộ thành viên thực hiện theo quy trình chung từ mua vật tư, phân bón đầu vào, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lạc đến khi thu hoạch, bảo quản sản phẩm và xuất bán ra thị trường… tạo thành một chuỗi liên kết, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất, vừa thuận tiện trong việc giám sát quy trình canh tác, đảm bảo an toàn lao động cho người sản xuất.


Lãnh đạo Đảng ủy xã Phúc Sơn vận động nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng lạc hàng hóa

Vụ lạc xuân năm nay, xã Phúc Sơn trồng được trên 500 ha lạc, để nâng cao năng suất, chất lượng cây lạc, xã đã tập trung các giải pháp như chỉ đạo bà con nông dân gieo trồng toàn bộ bằng giống lạc L14, mở rộng diện tích trồng lạc che phủ nilon. Trao đổi với lãnh đạo UBND xã Phúc Sơn, ông Ma Đình Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: Nhờ đẩy mạnh phát triển cây lạc, nên sản xuất nông nghiệp ở xã Phúc Sơn đã từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với thị trường, tăng hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân.

Hoạt động sản xuất ở Phúc Sơn đang có đóng góp chung vào quá trình xây dựng thương hiệu lạc Chiêm Hóa - một trong 47 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Huyện Chiêm Hóa đang phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng diện tích lạc theo hướng an toàn lên 3.000ha, sản lượng trên 9.800 tấn, giá trị sản xuất chiếm khoảng 16% trong tỷ trọng ngành trồng trọt trên địa bàn huyện./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục