Xây dựng nông thôn mới: Không để tiêu chí “non” khi về đích

Ngay từ những tháng đầu năm, những phần việc nằm trong kế hoạch về đích nông thôn mới đã được các xã triển khai đồng loạt. Mục tiêu là không chờ “nước đến chân mới nhảy”, không để tiêu chí bị đánh giá là “non” khi về đích.

Xã Thắng Quân (Yên Sơn), một trong 10 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm nay đang dồn sức củng cố, giữ vững và hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch. Theo ông Hoàng Trung Thông, Chủ tịch UBND xã, nhiều tiêu chí rà soát từ tháng 8 - 2019 chưa đạt, nhưng trong quý IV - 2019 đã cơ bản hoàn thành. Đơn cử như tiêu chí thu nhập. Tháng 8 - 2019, qua rà soát, thu nhập của người dân trong xã mới chỉ đạt khoảng 2,75 triệu đồng/người/tháng. Tổng số lao động của Thắng Quân hiện gần 6.000 người, trong đó chủ yếu là lao động hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Để tăng thu nhập cho đối tượng này, xã đã có bước đột phá về lao động và bố trí cơ cấu lao động, chuyển đổi nghề và tạo việc làm mới cho lao động, nhất là lao động mùa vụ, cải thiện thu nhập. Hiện, phần lớn lao động của xã đi làm việc tại các nhà máy trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, xã quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung, chủ yếu là cây ăn quả có múi với hơn 420 ha tại các thôn Hòn Vang, Hồng Thái, Văn Lập. Nhờ thế, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã tăng lên trên 3,1 triệu đồng/người/tháng. 


Vườn cây ăn quả của anh Phạm Ngọc Hải (người bên trái) ở thôn Văn Lập, xã Thắng Quân (Yên Sơn).   Ảnh: Lý Thịnh.

Chủ tịch UBND xã Hoàng Trung Thông cho biết, Thắng Quân hiện còn thôn Km9 có nhà văn hóa chưa đạt chuẩn, nhưng chưa tìm được đất để xây dựng. Thôn đang vận động người dân hiến tặng, đổi đất để xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh. Tiêu chí khó nhất đối với xã Thắng Quân cũng như nhiều xã khác ở thời điểm này là tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Trên địa bàn xã hiện còn một số cơ sở chế biến tinh bột sắn, dong riềng và sửa chữa xe máy, ô tô tại các thôn Yên Thắng, Hồng Thái, Minh Phong, Thắng Quân, Km9, Ghềnh Gà, Nghĩa Trung, Lang Quán… xả thải trực tiếp ra môi trường theo mùa vụ, xả thải, tiếng ồn. Tình trạng vứt rác thải sinh hoạt ra nơi công cộng còn diễn ra, nhất là khu vực suối từ cầu số 10 qua cầu Tiền Phong, ven Quốc lộ 2 và 2C, các mương nước, bao bì thuốc trừ sâu ở cánh đồng, xả thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ở các xóm chưa được ngăn chặn kịp thời. 

Nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo được UBND xã Minh Dân (Hàm Yên) xác định là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong xã. Toàn xã hiện có 7 tổ hợp tác chăn nuôi gà, cá, lợn và chăm sóc cây cam, chè... Hoạt động của tổ hợp tác trên địa bàn xã đang ngày càng thể hiện được vai trò nòng cốt trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Các tổ hợp tác tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thực hiện cung ứng vật tư nông nghiệp, tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Mức thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 32 triệu đồng/người/năm. 

 Tổ hợp tác chăn nuôi gà Thác Đất ra đời từ năm 2013. Để phát triển bền vững, ngay từ khi thành lập, tổ hợp tác đã bắt tay vào nghiên cứu thị trường, đánh giá lại cơ sở vật chất, xây dựng quy trình sản xuất, từng bước chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học. Dựa trên quy trình sản xuất an toàn, quá trình chăn nuôi của thành viên tổ hợp tác được giám sát chặt chẽ, ghi chép đầy đủ từ khâu chăm sóc, các giai đoạn phát triển của vật nuôi, các loại thức ăn chăn nuôi, đến các vấn đề vệ sinh chuồng trại, an toàn lao động nhằm có những đánh giá toàn diện và kịp thời đưa ra sự điều chỉnh. Xuất phát điểm là hộ nghèo, năm 2013, ông Trần Văn Ánh tham gia tổ hợp tác Thác Đất và được hỗ trợ hơn 30 triệu đồng để xây trang trại nuôi gà đồi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô gần 2.000 con. Sau gần 7 năm phát triển sản xuất, mô hình chăn nuôi gà an toàn không chỉ giúp gia đình ông Ánh có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên và lao động thời vụ với mức lương 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Nguyễn Bá Lệ, Chủ tịch UBND xã Minh Dân, hiện xã còn 6 tiêu chí chưa hoàn thành là môi trường và an toàn thực phẩm, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, nhà ở dân cư, thông tin và truyền thông, giao thông. Cũng giống như Thắng Quân, hiện ở Minh Dân còn 4 thôn chưa có nhà văn hóa đạt chuẩn. Hiện xã đang tập trung vận động người dân hiến đất để xây dựng khuôn viên và sân thể thao, đồng
thời kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ trang thiết bị vật chất nhà văn hóa. 

Năm 2020, tỉnh dự kiến bố trí trên 378 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Cùng với sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cần sự chủ động, linh hoạt của những xã nằm trong kế hoạch và cả những xã chưa có kế hoạch về đích trong việc hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí. Nỗ lực này của các địa phương góp phần nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh cuối năm 2020 lên ít nhất 47 xã.

Bài, ảnh: Trần Liên/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục