Giải quyết việc làm cho lao động ở những xã nông thôn mới

- Chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những vấn đề trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, do vậy thời gian qua, huyện Sơn Dương đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần quan trọng tiếp sức xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Đào Quang Tuấn, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết, xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là điều kiện quan trọng để góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững, thời gian qua, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn trên địa bàn. Đặc biệt tại những xã nông thôn mới, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, chú trọng hoạt động giới thiệu việc làm và hỗ trợ cho lao động sau đào tạo tìm được việc làm. Trong giai đoạn năm 2016 - 2020 huyện đã tào đạo 65 lớp học nghề cho lao động nông thôn với 2.275 học viên. Riêng năm 2020, phòng phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tổ chức 8 lớp học nghề ở các xã nông thôn mới cho 280 lao động là hộ nghèo, dân tộc thiểu số với các lớp nghề nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy móc.


Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Dương hướng dẫn người dân thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam mô hình trồng thanh long ruột đỏ.

Đồng chí Hoàng Cao Khải, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào chia sẻ, nghề chính đối với người dân nơi đây chủ yếu vẫn là nông nghiệp. Sau khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, cách làm để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, xã quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo nghề, tập trung vào các ngành nghề dịch vụ thương mại đã và đang phát triển, bên cạnh đó xã cũng đã đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Với lợi thế, gần các khu công nghiệp nên người dân lựa chọn đi lao động ngoài tỉnh nhiều, mỗi năm có gần 100 người lao động làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ. Riêng năm 2020, căn cứ tình hình thực tế của địa phương để tập trung cho công tác đào tạo nghề, xã cũng phối hợp với Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa và Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Việt Á tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, trồng dưa chuột cho các hộ dân ở thôn Tân Lập. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao thu nhập cũng như hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, đưa thu nhập bình quân đầu người từ 27 triệu đồng lên 32 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, huyện đã tận dụng thế mạnh từ các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác tại địa phương tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Gia đình chị Trần Thị Mai, thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam đang theo học lớp dạy nghề trồng thanh long ruột đỏ, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Chị Mai nói, thông qua các lớp dạy nghề, đã tạo ra nhiều mô hình sản xuất phù hợp, gắn với đồng đất ở đây, bản thân chị cũng học hỏi tìm tòi để phát triển kinh tế. Hiện nay, thôn Cây Cọ đang phát triển mạnh mô hình trồng thanh long ruột đỏ, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nhờ được học lớp tập huấn mà chị đã có nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long, ngoài trồng lúa, gia đình chị từ nay cũng có nguồn thu khoảng 30 - 40 triệu/năm từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ.

Hiện nay, huyện Sơn Dương đã có 7 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Các xã này đều đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2020, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 4.949 lao động đạt 104% kế hoạch, gồm lao động giải quyết việc làm mới trong tỉnh 3.440 lao động; tuyển dụng 1.447 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và 62 người đi xuất khẩu lao động. Trong đó, các xã nông thôn mới, chiếm trên 1.000 lao động có việc làm mới. Một số xã nông thôn mới làm tốt công tác giải quyết việc làm cho lao động địa phương như: Tân Trào, Ninh Lai, Sơn Nam, Đại Phú, Vĩnh Lợi, Cấp Tiến…

Bằng cách làm linh hoạt trong công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Sơn Dương đã tạo được nhiều việc làm ổn định cho người lao động, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả. Qua đó góp phần hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ đầu năm 2020 là 4.644 hộ nghèo, chiếm 9,31%; số hộ cận nghèo là 6.583 hộ, chiếm 13,2% xuống hiện còn 3.331 hộ nghèo, chiếm 6,66%; số hộ nghèo 5.853 chiếm 11,71% so với tổng số hộ gia đình.

Bài, ảnh: Minh Thủy/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục