Vươn lên từ rừng

- Từ những khu đất cằn cỗi nhưng với sự chăm chỉ, sáng tạo của người nông dân đã nhân lên những cánh rừng xanh. Rừng đã mang đến sự ấm no, góp phần thiết thực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Xã Đông Thọ (Sơn Dương) bạt ngàn rừng keo, bồ đề san sát, vươn cao vút. Mùa này đang kỳ khai thác gỗ, từ các triền đồi vọng ra tiếng chặt cây, lao gỗ rầm rập. Những cây gỗ to được xếp gọn gàng ven đường chờ xe vận chuyển đến các nhà máy chế biến lâm sản trong tỉnh. 

Gia đình anh Trần Văn Lợi có diện tích rừng trồng nhiều nhất thôn Làng Mông, xã Đông Thọ, với hơn 8 ha. Anh Lợi chia sẻ, năm 1993 anh cưới vợ, hai vợ chồng quanh năm suốt tháng bám đồng ruộng rồi làm thêm đủ thứ nghề nhưng nghèo khó vẫn bủa vây. Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng thoát nghèo, anh Lợi đã nghĩ đến vùng đất bỏ hoang của gia đình. Năm 1994 anh quyết định khăn gói vào đồi chinh phục đất hoang. Vợ chồng anh Lợi quần quật khai hoang, sau hơn 5 tháng phát quang cây dại trồng 2 ha bạch đàn. Rồi có thêm vốn anh tiếp tục cải tạo 8 ha đất bỏ hoang trồng bạch đàn và keo lai.


Ông Trần Văn Lợi, thôn Làng Mông, xã Đông Thọ (Sơn Dương) chăm sóc rừng keo của gia đình.

Năm 2016, sau bao khó khăn vất vả, vợ chồng anh Lợi đã thu về thành quả đầu tiên từ 8 ha keo và bạch đàn. Bằng cách trồng và thu hoạch theo chu kỳ cây sinh trưởng, mỗi năm gia đình anh đều đặn khai thác từ 2 - 3 ha. Từ năm 2016 đến 2020, anh thu về gần 600 triệu đồng từ rừng. Ngoài trồng rừng, anh Lợi còn làm thêm nghề khai thác gỗ, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Từ khai thác gỗ anh có thêm nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Anh Lợi chia sẻ, bí quyết để trồng cây rừng hiệu quả phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, mua cây giống phải đảm bảo chất lượng và đặc biệt là phải đầu tư phân bón, từ 8 - 10 triệu đồng mỗi ha rừng trồng.

Đồng chí Nguyễn Minh Tuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thọ cho biết, hiện nay, xã đang tập trung thâm canh để rút ngắn thời gian thu hoạch và nâng cao chất lượng gỗ. Trước đây, người dân chủ yếu trồng cây keo tai tượng bằng hạt, cho nên thời gian sinh trưởng dài 10 năm, nay trồng keo lai giâm hom và giống keo mới sẽ rút ngắn chu kỳ khai thác chỉ còn 7 - 8 năm. Từ trồng rừng đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, năm 2019 xã có 256 hộ nghèo đến năm 2020 đã giảm xuống còn 202 hộ nghèo.

Ở xã Cấp Tiến, trước kia người dân chỉ biết trồng lúa, ngô, đất rừng bỏ hoang. Đến nay, nhiều diện tích đất trống đồi núi trọc đã phủ kín màu xanh của rừng với hàng trăm ha keo, bồ đề. Một trong những người đi đầu trong phong trào trồng rừng ở xã Cấp Tiến là hộ ông Hà Đình Vị, thôn Cây Xy. Ông Vị cho biết, để có vốn đầu tư, vợ chồng ông đã cầm cố hết tài sản của gia đình, vay mượn anh em họ hàng. Bắt tay vào trồng rừng, ông Vị gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Ông đã tìm hiểu kiến thức từ những người đi trước trong nghề trồng rừng để học hỏi kinh nghiệm, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng rừng và học hỏi thêm kinh nghiệm trồng rừng ở các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái.

Năm 1990, ông Vị bắt đầu trồng 3 ha bồ đề, sau 10 năm cây cho khai thác thu lãi 60 triệu đồng. Năm 2000, ông tiếp tục đầu tư mở rộng 8 ha đất đồi trồng thêm keo, sau 8 năm chăm sóc rừng keo cho thu hoạch lãi hơn 400 triệu đồng/năm. Mồ hôi, công sức của ông Vị cùng gia đình đổ xuống giờ đã cho thành quả. Vùng đồi núi hoang vu giờ đã thành cánh rừng keo xanh ngát.

Trong xã Cấp Tiến, ngoài ông Vị còn có ông Lý Văn Đoàn, thôn Thái Bình cũng giàu lên từ trồng rừng. Ông Đoàn cho biết, năm 2003, khi thấy anh em trong xã trồng rừng mang lại giá trị kinh tế, ông mới trồng 2 ha rừng keo. Ban đầu cũng khó khăn, ông phải vay vốn ngân hàng để lấy tiền mua giống cây về trồng, vừa làm vừa tích góp để mở rộng dần diện tích. Đến nay, ông Đoàn đã có gần 6 ha keo đều được cấp chứng chỉ rừng FSC. Năm 2020, gia đình đã khai thác 4 ha thu về gần 400 triệu đồng, hiện còn 2 ha sang năm sẽ cho thu hoạch. Ông Đoàn cho biết, từ khi rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC, ông được hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm về trồng rừng nên năng suất gỗ đạt 100 m3/ha, giá trị gỗ rừng trồng của gia đình tăng thêm 15%. 

Với ý chí quyết tâm, người dân Sơn Dương đã biến một vùng đồi núi hoang hóa thành những cánh rừng được phủ kín màu xanh bạt ngàn của cây nguyên liệu, góp sức khơi dậy phong trào thi đua sản xuất giỏi, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Bài, Ảnh: Lý Thu/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục