Quy hoạch xây dựng cảnh quan nông thôn mới

Cảnh quan nông thôn chứa đựng giá trị thẩm mỹ, kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường. Quy hoạch cảnh quan nông thôn ra sao là bài toán đang được tỉnh, chính quyền các địa phương tính đến trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Kiến tạo không gian nông thôn đáng sống là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM. Tỉnh đã quy hoạch, thực hiện quy hoạch, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng, quản lý cảnh quan nông thôn và nông thôn mới trên cơ sở đặc thù của từng địa phương. Đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh, quy hoạch lại không gian của thôn, làng; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển. 


Một đoạn đường bê tông thôn Đồng Cọ, xã Nhân Mục (Hàm Yên).  Ảnh: Quốc Việt

Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đang tạo ra những lợi ích kép. Bộ mặt nông thôn đổi thay đáng kể, song vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của từng vùng, từng địa phương, tiêu biểu như kiến trúc nhà sàn của các dân tộc được phát huy trong xây dựng nhà ở các khu dân cư vùng dân tộc thiểu số.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, ngoài nhà sàn, các công trình hạ tầng phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân trong Chương trình xây dựng NTM cơ bản được đầu tư xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đến giữa tháng 11, đã có 100 km đường giao thông; 32 công trình trường, phòng học; 6 chợ nông thôn; 101 nhà ở dân cư; 3 trạm y tế… được xây dựng ở các địa phương trong lộ trình xây dựng NTM từ nay đến năm 2020.  

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các công trình mới chỉ đáp ứng  được 3 tiêu chí là: Quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất, còn quy hoạch cảnh quan trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới còn ít được đề cập. Hiện tượng làng xóm bị đô thị hóa cứng nhắc đang diễn ra. Thêm vào đó là hiện tượng ô nhiễm nguồn nước, không khí và rác thải ở các vùng nông thôn, chưa kể đến diện tích ao, hồ nước và cây xanh giảm dần, ảnh hưởng đến cảnh quan nông thôn. Toàn tỉnh mới có 23 xã đạt chuẩn về tiêu chí môi trường, chiếm 17,8% số xã của tỉnh; 32 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư, chiếm 24,8%; 38 xã đạt tiêu chí quy hoạch về cảnh quan và nghĩa trang, chiếm 29,4%. 

Xã Tân Long (Yên Sơn) chưa thể xây dựng được lộ trình để về đích NTM do chưa tìm được đất để quy hoạch bãi rác, nghĩa trang. Việc xử lý nguồn nước thải, chất thải trong chăn nuôi cũng khó có thể đảm bảo được các mục tiêu trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới do tập quán sinh hoạt và sản xuất của bà con.

Còn xã Hùng Đức (Hàm Yên) cũng đang loay hoay với nhóm tiêu chí về cảnh quan môi trường nông thôn. Ông Hà Minh Khương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, qua rà soát mới nhất, xã hiện vẫn còn 500 ngôi nhà dân chưa bảo đảm tiêu chí 3 cứng (cứng nền, cứng nhà, cứng mái) trong bộ tiêu chí NTM. Xã cũng chưa quy hoạch được nghĩa trang do thiếu quỹ đất bảo đảm các tiêu chuẩn xa dân cư, xa nơi sản xuất…

Ông Đặng Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, kiến tạo nên không gian nông thôn đáng sống thì việc quy hoạch, xây dựng, quản lý cảnh quan nông thôn cần chú trọng, nhất là bảo tồn, chỉnh trang không gian làng, xã vốn có trước đây, bảo đảm phù hợp nhưng vẫn tạo nên sự hài hòa và thân thiện với môi trường. Xây dựng cảnh quan nông thôn phải là trách nhiệm của cả cộng đồng. Cùng với nhà nước hỗ trợ về vốn, quy hoạch, thiết kế các công trình, người dân cần tham gia góp vốn, công sức để xây dựng. Có như vậy, công cuộc kiến tạo cảnh quan nông thôn mới thực sự bền vững.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục