Nội lực của nhân dân được phát huy để thực hiện Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh

Tính đến cuối tháng 11/2018, tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu kế hoạch. Tại các địa phương, nhiều công trình đã hoàn thành, tạo động lực và khí thế mạnh mẽ trong nhân dân.

Thực hiện kế hoạch năm 2018, tỉnh Tuyên Quang đã bố trí phần kinh phí để đầu tư xây dựng 275 km kênh mương, với định mức hỗ trợ 100% cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn để kiên cố hóa kênh mương;  hỗ trợ 100% xi măng, ống cống (nếu có) và chi phí vận chuyển để bê tông hóa 100 km đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ toàn bộ cột bê tông, vì kèo thép, xà gồ thép, tôn hoặc căn cứ vào điều kiện cụ thể ở địa phương để hỗ trợ kinh phí xây dựng 163 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên theo tinh thần Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.


Nhân dân thôn Đồng Cọ, xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên triển khai lắp đặt kênh mương

Để xây dựng các công trình, ngoài phần được tỉnh hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết, các địa phương vận động nhân dân tham gia đóng góp kinh phí, công sức để hoàn thành các công trình.

Đến Xuân Vân, xã có số km lớn kênh mương được kiên cố hóa năm 2018, đồng chí Nguyễn Văn Việt, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn cho biết, năm 2018, xã được hỗ trợ 6.000 mét cấu kiện kênh mương thành mỏng đúc sẵn. Để triển khai lắp ghép, xã đã triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động triển khai xây dựng, đảm bảo không ảnh hưởng mùa vụ. Nhờ nắm rõ chủ trương, nhân dân các thôn trong xã đã đồng tình, ủng hộ, tự giải phóng mặt bằng, có hộ tự nguyện hiến đất ruộng để xây dựng, lắp ghép đảm bảo mỹ quan và đúng kỹ thuật. Đồng thời xã chỉ đạo, huy động dân quân tham gia hỗ trợ những thôn có số lượng kênh mương cần lắp ghép lớn, vì việc vận chuyển cấu kiện từ điểm tập kết đến các vị trí lắp ghép là rất khó khăn. Theo tổng hợp báo cáo của các thôn, đến nay việc xây dựng, lắp ghép đã hoàn thành. Và để lắp ghép hoàn thiện 6.000 m kênh mương, nhân dân trong xã đã đóng góp trên 500 ngày công và trên 10 triệu đồng tiền nguyên vật liệu để xây dựng, gia cố thêm những chỗ cần đảm bảo vững chắc.

Năm 2018, xã Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang được hỗ trợ để làm 1,31 km đường giao thông nội đồng. Chủ động triển khai thực hiện, đến cuối tháng 7/2018, xã đã hoàn thành việc xây dựng 1,31 km đường được xây dựng ở 02 thôn: Khe Cua 2 là 1,1 km và thôn Tân Tạo 0,21 km. 

Ông Nịnh Văn Tiến, Trưởng thôn Khe Cua 2 cho biết, trước đây tuyến đường từ thôn Khe Cua 2 dẫn vào khu sản xuất lúa tập trung hơn 20 ha của thôn là tuyến đường đất nên khi đến mùa thu hoạch lúa, gặp trời mưa đường lầy lội, đi lại rất khó khăn. Được nhà nước hỗ trợ 200 tấn xi măng, người dân trong thôn tự nguyện đóng góp, mỗi nhân khẩu 400 nghìn đồng để mua vật liệu và ủng hộ ngày công để xây dựng. Sau hơn 1 tuần tập trung nhân lực xây dựng, tuyến đường đã hoàn thành. Đường được làm, việc sản xuất, thu hoạch của bà con được cơ giới hóa các khâu, việc đi lại, giao lưu giữa Khe Cua 2 với các thôn cũng thuận tiện hơn trước rất nhiều, nhân dân rất phấn khởi.


Nhân dân thôn Khe Cua, xã Đội Cấn triển khai làm đường giao thông

Đến xã Phúc Ninh, là xã có số nhà văn hóa thôn được xây dựng năm 2018 nhiều thứ 2 trên địa bàn huyện Yên Sơn, đồng chí Khúc Thị Thanh Thủy - Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết, thực hiện mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2018, xã đã triển khai xây dựng 08 xã văn hóa thôn gắn với sân thể thao và khuân viên. Để xây dựng, hoàn thiện được nhà văn hóa thôn, ngoài cấu kiện bê tông được nhà nước hỗ trợ, nhân dân các thôn đã hưởng ứng, tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công để xây dựng. Đến nay 8/8 nhà văn hóa đã hoàn thành và qua thống kê sơ bộ các thôn đã vận động được số tiền đáng kể để triển khai xây dựng và hoàn thiện các nhà văn hóa như: thôn Soi Tiên vận động đóng góp được 166 triệu, thôn Quang Thắng được 185 triệu, thôn Gà Luộc được 139 triệu, thôn Khuân Thống được 240 triệu, thôn Yên Sở được 165 triệu, thôn Cô Ba được 195 triệu, thôn Kim Châu 190 triệu, và thôn Éo 210 triệu. Ngoài ra nhân dân các thôn còn tự nguyện đóng góp hằng trăm ngày công để tham gia xây dựng.


Nhân dân thôn Nặm Chá, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình  phát huy nội lực của nhân dân trong xây dựng nhà văn hóa thôn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng theo Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản đã hoàn thành. Cụ thể đến ngày 23/11/2018 đã hoàn thành lắp đặt 267,39/275 km kênh mương, đạt 97,23% kế hoạch; hoàn thành bê tông hóa 107,48/100,54 km đường giao thông nội đồng, đạt 106,9% kế hoạch; số nhà văn hóa thôn đã và đang xây dựng là 163/163 nhà, đạt 100% kế hoạch, trong đó số nhà đã hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng 134/163 nhà, đạt 82,21% kế hoạch. Cũng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, tỉnh Tuyên Quang đã rất quan tâm, đầu tư kinh phí để xây dựng các công trình hạ tầng theo Nghị quyết 03 nhiều hơn so với các năm trước. Đồng thời nhận thức của nhân dân đã được nâng lên, nội lực, tinh thần đoàn kết được khơi dậy, phát huy, nhân dân đã đồng thuận đóng góp kinh phí, ngày công để thực hiện và đến nay nhiều công trình đã hoàn thành góp phần tạo động lực, khí thế niềm tin của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của tỉnh./.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục