Nhiều giải pháp trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang

Kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) tại tỉnh Tuyên Quang cơ bản đạt được lộ trình của tỉnh đề ra, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng từng bước đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Lễ khai trương chuỗi cửa hàng thực phẩm Nông sản sạch Sáng Nhung (cơ sở 2)     

Theo dự kiến, hết năm 2023 toàn tỉnh Tuyên Quang có 74/122 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (chiếm tỉ lệ 60,65%), trong đó có 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí đạt toàn tỉnh là 15,75 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP trên địa bàn 94 xã, phường, thị trấn của 134 chủ thể; có 16 hàng hóa, dịch vụ được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, lũy kế có 307 sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ; trong đó trên 70 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Ngày 5/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1666/QĐ-TTg công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020; 02 huyện Sơn Dương và huyện Hàm Yên đang phấn đấu đến hết 2025 hoàn thành xây dựng huyện NTM, nâng tổng số đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM lên 3/7 đơn vị. Đến thời điểm này, hai huyện trên đã đạt từ 4 đến 5 tiêu chí cấp huyện và đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí còn lại. Huyện Hàm Yên đánh giá đã đạt 05 tiêu chí (Quy hoạch; Thủy lợi và phòng chống thiên tai; Điện; Y tế - Văn hóa - Giáo dục; Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công), còn 04 tiêu chí chưa đạt (Giao thông; Kinh tế; Môi trường; Chất lượng môi trường sống); huyện Sơn Dương đánh giá đã đạt 04 tiêu chí (Thủy lợi và phòng chống thiên tai, Điện; Kinh tế; Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công), còn 05 tiêu chí chưa đạt (Quy hoạch; Giao thông; Y tế - Văn hóa - Giáo dục; Môi trường; Chất lượng môi trường sống).

Đối với cấp thôn, vườn mẫu, toàn tỉnh có 17 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; có 83 vườn hộ gia đình được công nhận vườn mẫu NTM.

Từ những kết quả đạt được, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2024 có thêm 12 xã đạt chuẩn NTM nâng số xã đạt chuẩn lên 86/122 xã (chiếm tỉ lệ 70,49%), có thêm 04 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; Có thêm ít nhất 14 thôn được công nhận đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới”; 24 thôn được công nhận đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”; 35 vườn hộ gia đình được công nhận đạt chuẩn “Vườn mẫu nông thôn mới”.

Nhiều giải pháp trọng tâm

Một trong những khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM là các xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2023-2025 chủ yếu là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, (huyện Hàm Yên 09 xã thuộc vùng III, huyện Sơn Dương 07 xã thuộc vùng III) một số tiêu chí cấp huyện cần nguồn lực đầu tư lớn và phải có lộ trình thời gian để hoàn thiện. 

Kết quả xây dựng NTM của một số vùng miền vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn (như thành phố Tuyên Quang đạt bình quân 19 tiêu chí/xã, trong khi huyện Lâm Bình đạt bình quân 14,44 tiêu chí/xã). Ngoài ra, các xã trên địa bàn tỉnh đều có xuất phát điểm thấp trong xây dựng NTM. Nguồn lực huy động tại chỗ ở một số xã gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn từ quỹ đất và đóng góp của Nhân dân. 

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tỉnh Tuyên Quang đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm như tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, người dân nhằm phát huy tinh thần chủ động, tự nguyện, phát huy nội lực, sáng tạo, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

Hoàn thành xây dựng quy hoạch chung các xã, quy hoạch vùng, huyện phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy định của pháp luật về quy hoạch, gắn với thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát huy thế mạnh của địa phương trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm; tạo dựng hình ảnh của những miền quê đáng sống, gắn với phát triển du lịch nông thôn.

Một trong những giải pháp tiếp theo là tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM ngày càng chuyên nghiệp; thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện chương trình, đặc biệt là lồng ghép giữa các Chương trình MTQG, gắn với công tác đỡ đầu của các sở, ban ngành, doanh nghiệp để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xây dựng NTM, thu hẹp khoảng cách vùng miền.

UBND các huyện Hàm Yên, Sơn Dương, cần chủ động, tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và UBND cấp xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành phụ trách tiêu chí trong quá trình thực hiện, kịp thời báo cáo những khó khăn vướng mắc liên quan để có sự chỉ đạo, tháo gỡ; cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện các tiêu chí và tổ chức đánh giá thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh đối với các thị trấn trên địa bàn huyện./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục