Ngành Y tế Tuyên Quang tích cực xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã là điều kiện để tuyến y tế cơ sở phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân và là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Tuyên Quang và ngành Y tế tỉnh đã quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã trên địa bàn tỉnh. Ðến nay hệ thống y tế cơ sở đã được củng cố, bổ sung; năng lực, trình độ cán bộ y tế cũng được nâng lên, đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay tại tuyến cơ sở.

Trạm y tế xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hoá được xây dựng khang trang

Nỗ lực duy trì tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tại các vùng nông thôn mới. Chỉ tiêu 15.1: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế:

Trong quá trình chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, cấp uỷ và chính quyền tỉnh Tuyên Quang luôn đề cao việc chỉ đạo phát triển số người có thẻ Bảo hiểm y tế  (BHYT) để đảm bảo các quyền lợi được hưởng cũng như những hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trước những rủi ro, bất trắc về sức khỏe có thể xảy ra. Khẳng định Bảo hiểm y tế là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò an sinh xã hội gắn kết đồng hành với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, các Sở, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, các xã chủ động rà soát số người có thẻ Bảo hiểm y tế để có kế hoạch chỉ đạo phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80% người có thẻ Bảo hiểm y tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Việc làm này ở rất nhiều xã được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Do đó số người có thẻ BHYT tăng mạnh trong quá trình xây dựng nông thôn mới nên số người bị ốm đau, hoạn nạn đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả, người dân không phải bỏ tiền túi nhiều cho việc điều trị bệnh tật, giảm gánh nặng, áp lực kinh tế đối với người nông dân cũng như với ngành y tế. Theo báo cáo của Sở Y tế Tuyên Quang tỷ lệ người dân tham gia BHYT năm 2021-2022 đạt >95%; năm 2023 ước đạt tỷ lệ: 95.8%.

Chỉ tiêu 15.2: Xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế: Trong những năm vừa qua ngành Y tế Tuyên Quang đã được Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm bố trí ngân sách đầu tư cơ sở vật chất để xây mới và duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất tại Trạm Y tế; đa số các Trạm Y tế đều đảm bảo về vị trí, diện tích, đủ các phòng chức năng, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu và xử lý nước thải. Kết quả đến năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành đầu tư xây mới được 78 Trạm y tế xã và Phòng khám đa khoa khu vực, dự kiến năm 2023 sẽ triển khai xây dựng mới 23 đến 25 Trạm y tế xã theo các dự án đầu tư thuộc CTMTQG xây dựng Nông thôn mới (vốn trung ương, vốn địa phương và vốn vay ODA giai đoạn đến 2025), vốn phục hồi phát triển kinh tế xã hội năm 2022-2023 (xây dựng 8 Trạm y tế phường, thị trấn). Dự kiến kế hoạch đến năm 2025 sẽ đầu tư xây dựng mới thêm khoảng 45 Trạm y tế xã/phường để đạt > 85% số xã được đầu tư đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng, đến năm 2030 phấn đấu đạt 100% Trạm y tế xã/phường đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng. Các Trạm Y tế đều có từ 05 đến 06 biên chế và cơ bản có thành phần cơ cấu theo quy định (gồm bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, y sỹ y học cổ truyền và viên chức dân số). Hiện toàn tỉnh có 130/138 Trạm Y tế có bác sỹ hoạt động, chiếm tỷ lệ 94%; ngành đã tăng cường đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ tuyến xã, chú trọng đào tạo  bác sỹ là người địa phương. Kết quả hết năm 2022, toàn tỉnh có 129/138 xã đạt Tiêu chí quốc gia về Y tế, đạt tỷ lệ 93.4%, năm 2023, ước đạt 133/138 (96.3%) số xã/phường đạt tiêu chuẩn quốc gia Y tế xã.

Chỉ tiêu 15.3: Tỷ lệ trẻ <05 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi)

Chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng trẻ dưới 05 tuổi; truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân; hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ, cân đo, theo dõi biểu đồ tăng trưởng cho trẻ dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng; hướng dẫn chăm sóc, phục hồi trẻ suy dinh dưỡng nặng; Tổ chức tập huấn về phòng chống suy dinh dưỡng cho các bộ Y tế xã và y tế thôn bản; mua sắm cân cho Trạm Y tế xã từ nguồn vốn Nông thôn mới. Kết quả phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi: năm 2022 là 22.4%, Kế hoạch năm 2023 giảm xuống còn 21,6%.

Bên cạnh những thành tích đạt được, việc triển khai thực hiện tiêu chí Y tế đang gặp không ít khó khăn. Thực tế cho thấy, xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đã khó, việc duy trì các xã đạt chuẩn về y tế bền vững càng khó khăn hơn. Ngoài cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực chưa đồng bộ, các xã còn gặp không ít khó khăn từ các chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, giảm mức sinh, chỉ tiêu mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, cơ cấu nhân lực.... Mặt dù đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng lực hoạt động cho mạng lưới y tế cơ sở. Song xét về tiêu chí và từng chỉ tiêu cụ thể thì vẫn đang còn nhiều thách thức đối với các huyện, thành phố.

Ðể hoàn thành tiêu chí về y tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương các xã phải giao nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách với những lĩnh vực cụ thể; đồng thời huy động nguồn lực xây dựng Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế gắn với xây dựng nông thôn mới; trong đó tranh thủ các chương trình, dự án xây mới trạm y tế, cung cấp trang thiết bị y tế, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ trạm y tế, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân. Cần xác định việc xây dựng xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế là điều kiện giúp cho tuyến y tế cơ sở phát triển toàn diện, triển khai, tốt các chương trình y tế, tăng cường phòng, chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân

Đề án khám chữa bệnh từ xa - nhu cầu thiết yếu của người dân nông thôn.

 Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 12/6/2020 của Bộ Y tế phê duyệt triển khai Đề án “Khám chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020-2025” đã giúp người dân nông thôn có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; giảm chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế, các chi phí khác cho người dân, đem lại cơ hội được cứu chữa cho rất nhiều ca bệnh nặng, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho các bệnh nhân vùng nông thôn. Các cơ sở y tế tuyến dưới đã được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến trên dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân nông thôn. Tuy nhiên hiện nay, Luật khám bệnh, chữa bệnh và Luật bảo hiểm y tế không quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Vì vậy, quá trình triển khai hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, điều này gây tiếc nuối và khó khăn cho người dân nông thôn.

Quản lý, nâng cao chất lượng sức khoẻ người dân nông thôn.

Việc thực hiện Chuẩn Quốc gia về y tế xã đã nhận được sự quan tâm của cấp uỷ và chính quyền các huyện, thành phố. Tất cả các huyện, thành phố đều đưa tiêu chí của Chuẩn Quốc gia về y tế xã vào trong các Nghị quyết của Chi bộ, Đảng bộ các cấp, trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của chính quyền, giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã đạt hiệu quả hơn. Nhờ thực hiện tốt Chuẩn Quốc gia mà nguồn lực cho y tế cơ sở được nâng cao, tạo bước đột phá trong huy động đầu tư cho y tế xã. Trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp, cung cấp thêm các trang thiết bị y tế, cán bộ, bác sỹ được liên tục tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Chuẩn Quốc gia được triển khai tốt tại cơ sở giúp người dân tin tưởng và đến khám, chữa bệnh ban đầu tại Trạm y tế xã giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên đồng thời giảm chi phí y tế cho người dân.

Mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân giai đoạn tới là “toàn diện, liên tục” tại tuyến y tế cơ sở - tức là người dân sẽ được khám chữa bệnh và dự phòng các bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm ngay tại các trạm y tế. Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra một số chỉ tiêu quan trọng là phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% dân số được quản lý sức khoẻ; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm đến năm 2030.

Việc triển khai thực hiện các tiêu chí về y tế trong xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về y tế của người dân nông thôn; xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết bị y tế, cơ sở vật chất, tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia bảo hiểm ở mức cao nhất. Tạo nền tảng vững chắc để phát triển văn hóa nông thôn mới trên địa bàn xã; xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.

 

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục