Hàm Yên nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Minh Hương ra quân xoá nhà tạm

Khơi dậy nguồn lực từ sức dân 

Hết năm 2022 huyện Hàm Yên có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 3 xã là Thành Long, Hùng Đức, Minh Hương đạt chuẩn NTM; phấn đấu đến hết năm 2024, 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Tân Yên đạt chuẩn đô thị văn minh; năm 2025 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Có được kết quả này, ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thì sự tham gia tích cực của đông đảo nhân dân đã tạo nguồn nội lực lớn giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Giai đoạn 2021-2023, tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện Hàm Yên ước đạt 1.143.665 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 648.034 triệu đồng, chiếm 56,6%; Vốn nước ngoài đạt 46.200 triệu đồng, chiếm 4,03%; Vốn doanh nghiệp đạt 77.993 triệu đồng, chiếm 6,81%; vốn tín dụng là 189.031 triệu đồng, chiếm 16,52%; vốn Nhân dân đóng góp là 136.020 triệu đồng, chiếm 11,89%; Vốn huy động khác đạt 46.388 triệu đồng đạt 4,05%. Mặc dù số tiền huy động từ xã hội hóa chiếm tỷ lệ chưa nhiều nhưng qua đó thể hiện vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, góp phần quan trọng trong kết quả xây dựng NTM ở các xã trong huyện.

Bám sát lộ trình

Để thực hiện mục tiêu, huyện đã chỉ đạo quyết liệt, nhất quán; xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện để theo dõi, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu NTM. Cùng với đó, công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ chủ trương, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện là nhiệm vụ hàng đầu được Đảng bộ, chính quyền huyện quan tâm thực hiện.

Qua rà soát, đánh giá, đầu năm 2023, xã Minh Hương mới đạt được 9/19 tiêu chí. Xác định các tiêu chí Giao thông, Trường học, Nhà ở dân cư, Nghèo đa chiều, Thu nhập, Môi trường và An toàn thực phẩm …là những tiêu chí khó thực hiện, ngay từ đầu năm 2023, xã đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung sức thực hiện. Qua đó, xã đã huy động nhân dân trên địa bàn đóng góp gần 1.700 công lao động nạo vét, sửa chữa hơn 61 km kênh mương; làm mới gần 1,7 km đường bê tông; xóa 30/40 nhà tạm… Đây là nguồn động lực để xã phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại năm 2023 theo đúng kế hoạch đề ra.

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhấn mạnh, huyện thường xuyên rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, bám sát lộ trình đề ra với những giải pháp cụ thể. Đồng thời, tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của nhân dân, doanh nghiệp tham gia chung sức thực hiện các tiêu chí liên quan đến giao thông, thủy lợi, môi trường và xây dựng thêm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị… góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ chủ trương đúng đắn, phong trào được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, khơi dậy được những lợi thế, tiềm năng của địa phương và phát huy vai trò chủ thể của người dân.

Nỗ lực bứt phá

Gần 3 năm thực hiện xây dựng huyện NTM đã tạo thêm luồng sinh khí mới cho vùng đất này, diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt. Các công trình hạ tầng nông thôn như: Điện, đường, trường học, trạm y tế được đầu tư kiên cố, khang trang; nhiều tuyến đường thôn xóm, liên xã được đổ bê tông, rải nhựa rộng và đẹp; đa số các thôn của huyện đều có nhà văn hóa gắn với sân thể thao; khuôn viên nhà cửa, được chỉnh trang sạch đẹp.

Hàm Yên đã huy động được hơn 136 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, chiếm 12% nguồn vốn xây dựng NTM; vận động nhân dân hiến gần 68.000 m2 đất, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Từ nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách Nhà nước, huyện đã đầu tư, cải tạo hơn 150 km đường giao thông nông thôn; lắp đặt 30 km kênh mương; nâng cấp 11 công trình thủy lợi; Triển khai xây dựng 26 trạm biến áp; 12,6km đường dây 35kV; 41,261km đường dây 0,4kV; cải tạo, xây mới 24 công trình trường học; 6 nhà văn hóa xã, 21 nhà văn hóa thôn được nâng cấp, xây mới; hỗ trợ xóa 1.264 nhà tạm, dột nát; xây dựng 06 công trình cấp nước tập trung; xây dựng 10 điểm tập kết, trung chuyển rác thải, nâng cấp 01 khu xử lý rác tạm thời.  …Đến nay hàm Yên đã hình thành và duy trì 19 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, 15 HTX, 14 doanh nghiệp với gần 2.200 hộ gia đình tham gia liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ.

Các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển phù hợp, huyện đã thu hút được một số dự án đầu tư lớn như: Nhà máy sản xuất giày của Công ty TNHH Sản xuất giày CHUNG JEY Tuyên Quang với mức đầu tư trên 575 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động; Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8A có công suất 27MW; nhà máy sản xuất gạch, nhà máy chế biến gỗ… Đặc biệt Cụm công nghiệp Tân Thành, diện tích 72,2 ha đã hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Các dự án đầu tư đi vào hoạt động đã đem lại hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần giảm nghèo, theo báo cáo của UBND huyện Hàm Yên, năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện đạt 2.595 tỷ đồng, tăng bình quân 6,32%/năm; tổng sản lượng lương thực đạt 53.256 tấn. Diện tích một số cây trồng chủ yếu: Cam 6.315 ha, sản lượng đạt 74.000 tấn; chè 2.178 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 19.200 tấn; chanh 940 ha, sản lượng đạt 15.750 tấn; bưởi 360 ha; thanh long 103,6 ha; mía 240 ha. Thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC trên 8.400 ha; phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn 14.069 ha, tỷ lệ che phủ rừng 58,8%. Đến nay, huyện có 21 sản phẩm OCOP (02 sản phẩm 4 sao, 19 sản phẩm 3 sao), 10 sản phẩm được xây dựng nhãn hiệu, 1 sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý. Nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là cam sành Hàm Yên, vịt bầu Minh Hương, chè xanh Làng Bát, thanh long ruột đỏ xã Yên Phú...

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới, huyện Hàm Yên đã có nhiều cách làm sáng tạo, trong đó có Phong trào “Ngày thứ 7 cùng dân”, hay “Ngày thứ 7 làm nông thôn mới”. Theo đó, hàng tuần cán bộ, đảng viên trực tiếp cùng nhân dân thực hiện các phần việc trong xây dựng nông thôn mới. Đây là chủ trương lớn đã được Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 01-CT/HU ngày 18/12/2020 về tổ chức phong trào cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại cơ sở. Đến nay, huyện đã huy động được hơn 250.000 lượt cán bộ, đảng viên và người dân tham gia trồng và chăm sóc gần 274 km đường hoa; lắp đặt hơn 133 km đường điện thắp sáng; giúp 1.088 hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Đến nay huyện Hàm Yên đã đạt 03/09 tiêu chí huyện nông thôn mới gồm: Quy hoạch; Thủy lợi và Phòng chống thiên tai; Điện. Còn 06 tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông; Y tế - Văn hóa - Giáo dục; Kinh tế; Môi trường; Chất lượng môi trường sống; Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công. Phấn đấu đến hết năm 2025 huyện Hàm Yên đạt 09/09 tiêu chí huyện nông thôn mới.

Phấn đấu về đích đúng kế hoạch 

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hiện Hàm Yên đã đạt 3/9 tiêu chí huyện NTM là tiêu chí Quy hoạch, Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, Điện; 11/17 xã cơ bản đạt tiêu chí NTM; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bình quân các xã đạt 14,9 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 40,8 triệu đồng, dự kiến năm 2023 đạt 46 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 là 6,6%, bình quân mỗi năm giảm 4,9%/năm; các chỉ tiêu công nghiệp, nông nghiệp, thu ngân sách nhà nước đạt 81 - 83% so với mục tiêu Nghị quyết…

Để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM, trong thời gian tới Hàm Yên sẽ tập trung thực hiện những nội dung trọng tâm như: Triển khai thực hiện có hiệu quả các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định 318/QĐ-TTg, 319/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm Ocop phục vụ tiêu dùng, nâng cao đời sống về kinh tế cho người dân; Tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong Đảng và trong nhân dân.

Chủ động tham mưu, phối hợp với các cơ quan Trung ương và tỉnh Tuyên Quang trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định 360/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh; kết hợp sức mạnh nội lực với ngoại lực để đẩy nhanh quá trình xây dựng huyện nông thôn mới. Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân; hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, phát huy được vai trò chủ động, sáng tạo của người dân trong xây dựng NTM để từng bước thực hiện hoàn thành các tiêu chí, quyết tâm về đích NTM theo lộ trình kế hoạch đã đề ra./.  

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục