Đoàn công tác Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La đến thăm và làm việc tại Tuyên Quang

Ngày 28/9/2018, Đoàn công tác Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La, do đồng chí Phạm Anh Hữu, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La làm trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại Tuyên Quang. Tham gia đoàn còn có lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới các huyện: Mộc Châu, Bắc Yên, Phù Yên, Yên Châu, Sông Mã và Mai Sơn, tỉnh Sơn La cùng các đồng chí cán bộ Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La.

Đoàn công tác làm việc tại Văn phòng Điều phối NTM Tuyên Quang

Tiếp và làm việc với Đoàn, phía Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang có đồng chí Hà Văn Ngạc, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và các đồng chí cán bộ, chuyên viên Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang.

Trong buổi làm việc tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Phạm Anh Hữu chia sẻ: được sự giới thiệu của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cùng với xét thấy nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội giữa Tuyên Quang và Sơn La nên Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La lựa chọn tỉnh Tuyên Quang là điểm đến để trao đổi, học tập kinh nghiệm triển khai xây dựng nông thôn mới.

Tại buổi làm việc, hai Đoàn đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tổ chức triển khai xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương, đặc biệt là quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trong xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Phạm Anh Hữu cho biết: nông thôn mới ở Sơn La đang có những bước tiến ngày một nhanh hơn, mạnh hơn và vững chắc hơn. Có được như vậy là do các cấp lãnh đạo của tỉnh và trực tiếp là Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới luôn lấy tiêu chí thu nhập của người dân làm nòng cốt. Trong hàng trăm đầu điểm cần đầu tư ở một xã lựa chọn xây dựng nông thôn mới, chúng tôi luôn tính tới việc nào mang lại thu nhập trực tiếp cho người dân để ưu tiên. Vì thế, lòng dân rất đồng thuận. Tuy nhiên việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn, cần phải học hỏi thêm ở các tỉnh bạn và địa phương khác để đảm bảo đúng theo quy định và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Sau buổi làm việc tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, Đoàn đến làm việc tại xã An Khang, thành phố Tuyên Quang, là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang (năm 2014) và thăm Hợp tác xã Ong Phong Thổ, xã An Khang.


Đoàn Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Sơn La đến thăm HTX Ong Phong Thổ, xã An Khang

Chia sẻ kinh nghiệm với lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Tuyên Quang và chính quyền xã An Khang, các đồng chí thành viên Đoàn công tác Văn phòng Điều phối nông thôn mới Sơn La đã trao đổi về kinh nghiệm phát triển các sản phẩm nông nghiệp ở Sơn La, từng bước tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: xoài ở huyện Yên Châu, hồng giòn ở huyện Mộc Châu, táo mèo, chè ở huyện Bắc Yên, nhãn ở huyện Sông Mã, mật ong ở huyện Sông Mã, Mai Sơn.


Đoàn công tác làm việc tại xã An Khang

Tuy nhiên để phát triển một số sản phẩm tạo thành thương hiệu với quy mô lớn như Hợp tác xã Ong Phong Thổ của thành phố Tuyên Quang thì đồng chí Lương Văn Vịnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện Sông Mã chia sẻ: mỗi năm trên địa bàn Sơn La sản xuất ra hơn 2,5 triệu tấn mật ong, được biết sản lượng này lớn hơn nhiều so với sản lượng mật hàng năm của tỉnh Tuyên Quang. Mật sản xuất ra lại chủ yếu bán lẻ, chưa có cơ sở hay HTX nào thu mua, chế biến rồi xuất khẩu được như HTX Ong Phong Thổ ở Tuyên Quang. Qua chuyến thăm và làm việc này, Đoàn đã học tập được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là cách thức hoạt động của HTX Ong Phong Thổ. Đây là mô hình mà thời gian tới chúng tôi sẽ đầu tư áp dụng theo, trước tiên là ở Sông Mã, huyện có diện tích nhãn hơn 4.000 ha, đồng nghĩa với việc có sản lượng mật ong lớn với chất lượng mật rất tốt.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục