Đánh giá kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn năm 2018; phương hướng, nhiệm vụ năm 2019

Ngày 23/10/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn năm 2018; phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đình Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân; Lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện thành phố; Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế thành phố; Lãnh đạo Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố; Thủ trưởng, phó thủ trưởng các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở; một số doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại trong và ngoài tỉnh; Đài phát thành và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang.


Đồng chí Nguyễn Công Hàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua nội dung chương trình của Hội nghị

Sau phần tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đồng chí Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua dự thảo báo cáo đánh giá kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn năm 2018; phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. Theo đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 có bước phát triển khá so với năm 2017, một số nông sản chủ lực của tỉnh tiếp tục khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ; công tác hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất được thực hiện đồng bộ chặt chẽ, hiệu quả; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tiếp tục được tăng cường, nâng cao (năm 2018 đã ứng dụng một số mô hình theo công nghệ tiên tiến, công nghệ cao như: sản xuất rau thủy canh, trồng rau nhà lưới, chăn nuôi lợn theo quy trình khép kín, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho trâu..); một số chỉ tiêu đạt và vượt cao hơn so với năm 2017 (như: Diện tích, sản lượng lúa, ngô, lạc, cam, bưởi, trồng rừng tập trung; tổng đàn bò; sản lượng thịt hơi; sản lượng thủy sản…).

Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuấtcó chiều hướng tốt hơn so với năm 2017, các hợp tác xã nông lâm nghiệp, thủy sản; trang trại; các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực tiếp tục phát triển, ước giá trị hàng hoá chủ lực chiếm 56% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản. Hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hiệu quả (như bò sữa, lợn thịt, trâu thịt, chè, cam…). Chương trình xây dựng nông thôn mới đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ; thu nhập và đời sống của nhân dân tiếp tục được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm 2018, việc thực hiện kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn vẫn còn một số hạn chế:

(1) Một số chỉ tiêu sản xuất về trồng mới, trồng lại cây mía, cây đậu tương, tổng đàn trâu không đạt chỉ tiêu kế hoạch; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học công nghệ vào sản xuất còn thấp. Khả năng ứng dụng, nhân rộng sau thực hiện các đề tài, dự án còn hạn chế.

 (2) Tổ chức sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ còn yếu; sản xuất theo tiêu chuẩn được công nhận còn ở quy mô nhỏ; sản phẩm được chứng nhận chuỗi cung ứng an toàn, truy xuất nguồn gốc còn ít; nông sản hàng hóa được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết chiếm tỷ lệ thấp. Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chưa thực sự hiệu quả; chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp.Công tác quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung ở một số công trình còn hạn chế.

 (3)Tiến độ triển khai thực hiện các cơ chế chính sách (chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, tưới tiên tiến, tiết kiệm cho cây trồng cạn; hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ) còn chậm; thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ.

Năm 2019, là năm “nước rút” thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung tham mưu với tỉnh và phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố các giải pháp đẩy mạnh thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hàng hóa; đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới; nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân. Tập trung vào một số chỉ tiêu chủ yếu như: 1- Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh năm gốc 2010) đạt trên 8.388 tỷ đồng, tăng 4,2% so với ước thực hiện năm 2018. 2- Sản lượng lương thực đạt trên 33,7 vạn tấn. 3- Tốc độ tăng đàn trâu tăng 2,0%, đàn bò tăng 5,0%, đàn lợn tăng 6%, đàn gia cầm tăng 6,7% so với năm 2018; sản lượng thịt hơi các loại 71.360 tấn; sản lượng sữa tươi 20.000 tấn. Diện tích nuôi thả cá 11.288 ha; sản lượng 7.622 tấn. 4- Trồng rừng 10.850 ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 859.000 m3,  khai thác tre nứa nguyên liệu 22.100 tấn; làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, duy trì độ che phủ của rừng trên 60%. 5- Duy trì, giữ vững 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2018 và phấn đấu có thêm 05 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới.


Đồng chí Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2013-2018

Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao những kết quả ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được trong năm 2018. Đồng chí cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc triển khai hiệu quả các nghị quyết, quy hoạch, chương trình, dự án và các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; nâng cao nhận thức của người dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng mỗi huyện có từ 1 đến 2 sản phẩm, mỗi xã 1 sản phẩm chủ lực. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, giữ vững những thương hiệu hiện có; tiếp tục thực hiện Đề án nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, tăng nhanh diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC, bảo đảm thực hiện mục tiêu lớn nhất là đưa Tuyên Quang trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp; duy trì, giữ vững các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu năm 2019 có ít nhất 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2013-2018 và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2018./.     

Thu Hương/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục