Đà Vị phát triển các mô hình sản xuất xây dựng nông thôn mới

Na Hang là huyện nghèo theo quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, không những vậy xã Đà Vị, huyện Na Hang lại là xã thuộc vùng III theo quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ (vùng đặc biệt khó khăn) song Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân xã Đà Vị đã hạ quyết tâm về đích nông thôn mới vào năm 2024 với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và hưởng thụ”. Đồng thời phát động phong trào xây dựng nông thôn mới sâu rộng đến người dân, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện.

Sản phẩm OCOP 3 sao - Sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022.

Là xã thuộc vùng III, có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Để về đích nông thôn mới (NTM) trong năm 2024, xã Đà Vị đang huy động mọi nguồn lực để thực hiện 08 tiêu chí chưa đạt (Quy hoạch, Cơ sở vật chất văn hóa, Nhà ở dân cư, Thu nhập, Nghèo đa chiều, Lao động, Y tế, Môi trường và an toàn thực phẩm).

Ngoài những tiêu chí cần nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, Đà Vị cũng xác định tiêu chí Thu nhập và Nghèo đa chiều là hai tiêu chí tiêu chí khó thực hiện. Để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án, xây dựng mô hình hỗ trợ sản xuất; định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; ưu tiên đầu tư phát triển các mô hình sản xuất ở nông thôn, giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân làm "điểm tựa" để thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 của xã là 41,65%, thu nhập mới chỉ đạt 28,85 triệu đồng/người/năm (năm 2022).

Từ đó, Đảng ủy xã xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, tập trung khai thác một số lợi thế như nuôi cá lồng, sản xuất bún khô, phát triển trồng cây đậu tương, giống lúa nếp nương, mở rộng diện tích trồng cây không hạt. Hiện Đà Vị có hàng chục mô hình kinh tế hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập vài cải thiện đời sống của người dân. Tiêu biểu là mô hình sản xuất bún khô của HTX Nông nghiệp Đà Vị. Phát triển kinh tế ở vùng cao vốn gặp nhiều khó khăn song HTX nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền các cấp về kiến thức, kỹ thuật, trang thiết bị, đầu ra sản phẩm… đến nay bún khô, bún ngũ sắc Đà Vị đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, nhờ đó sản phẩm đã tạo được lòng tin cho khách hàng, nên đầu ra cũng rộng mở hơn. Để nâng cao năng suất làm bún, HTX chủ động bàn bạc với các thành viên ứng dụng khoa học công nghệ chế biến bún khô bằng các máy ép thủy lực thay vì làm thủ công như trước, từ đó góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từ manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa. Các nguyên liệu tạo bún như gạo bao thai được trồng quy mô theo từng vùng với quy mô hơn 60 ha tại xã Đà Vị, các loại lá cây làm màu cho bún được trồng ngay trong vườn nhà. Năm 2022, Hợp tác xã Nông nghiệp Đà Vị đã cung cấp ra thị trường trên 55 tấn, doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng. Năm 2022 bún khô Đà Vị được Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chứng nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, mô hình nuôi cá lồng trên Hồ thủy điện cũng là mục tiêu kinh tế xã Đà Vị hướng đến. Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi cá lồng, những năm qua, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, nghề nuôi cá lồng của Đà Vị đã mang lại hiệu quả khá cao, góp phần giảm nghèo cho hàng chục hộ dân, đồng thời góp phần tích cực trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Hiện, toàn xã có 161 lồng cá gồm cá lăng, ngạch đá, nheo, chiên, chép, trắm. Sản lượng khai thác, tiêu thụ đạt 100 tấn/năm. UBND xã kết nối doanh nghiệp với người nuôi để  bao tiêu đầu ra sản phẩm... những năm qua, việc đẩy mạnh phát triển thủy sản nói chung và nuôi cá lồng trên hồ thuỷ điện đã mở hướng đi mới và mang lại thu nhập cao cho người dân, nên được các ngành chức năng tạo điều kiện phát triển, đặc biệt là các loại cá có giá trị kinh tế cao, nhằm đẩy mạnh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản ở Tuyên Quang nói chung và phát triển kinh tế ở Đà Vị nói riêng.

Để tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản, chính quyền xã Đà vị đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, theo hướng thâm canh, bán thâm canh, tập trung vào một số giống cá đặc sản và cá có giá trị kinh tế cao, đồng thời, hướng dẫn cho các hộ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất theo chuỗi liên kết, đảm bảo bao tiêu sản phẩm từ đầu vào con giống, thức ăn đến đầu ra sản phẩm.

Với đặc điểm xã có đông đồng bào các dân tộc cùng sinh sống, trong những năm vừa qua, chính quyền xã luôn quan tâm, động viên người dân phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo tồn những nét văn hóa, lễ hội truyền thống. Hiện xã có 3 dân tộc chiếm đa số gồm: Tày, Dao, Mông… Phát triển kinh tế luôn gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đó là phương châm của chính quyền xã Đà Vị. Từ năm 2019, đến nay Đà Vị đã phục dựng lại nghi lễ nhảy lửa của người Dao Đỏ thôn Bản Lục và biểu diễn phục vụ du khách, qua đó tạo sự hấp dẫn cho khách du lịch, góp phần quảng bá nét văn hóa độc đáo của địa phương….không chỉ vậy lễ hội Lồng Tông được tổ chức hằng năm cũng thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Tày, là hoạt động tín ngưỡng dân gian, một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Lễ hội Lồng Tông xã Đà Vị bao gồm hai phần: Phần lễ, gồm có nghi lễ cầu mùa, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối đâm trồi nảy lộc tươi tốt, mùa màng bội thu, người người vui tươi no ấm hạnh phúc. Ngay sau nghi lễ mang đậm bản sắc của dân tộc là màn trống hội khai hội với các trò chơi dân như: Tung còn, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đánh trống, đi cầu khỉ, nhảy bao bố, thi đấu bóng chuyền da Nam, bóng chuyền hơi Nữ… Lễ hội là dịp để nhân dân các dân tộc được giao lưu văn hoá, tăng cường sự đoàn kết, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc góp phần thúc đẩy văn hoá, văn nghệ trên địa bàn xã ngày càng phát triển. Ngoài ra, Đà Vị là địa phương nằm trong chương trình hợp tác du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" của 2 tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn. Do đó, Đà Vị có thể tận dụng để khai thác tiềm năng về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ.

Cùng với tổ chức sản xuất, Đà Vị cũng quan tâm đến vấn đề môi trường, nhiều mô hình cải tạo cảnh quan môi trường thiết thực đã được đưa vào áp dụng như:  Tổ chức ra mắt và thành lập các mô hình về công tác vệ sinh môi trường, vận động nhân dân thu gom, xử lý rác thải. Tổ chức cho các khu dân cư ký cam kết thi đua thực hiện phong trào “Đà Vị chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, triển khai mô hình tự quản bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức các buổi vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trường học, thu gom rác thải, vệ sinh phát dọn đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương. Đến nay không gian nông thôn của Đà Vị ngày càng được cải thiện, đảm bảo vệ sinh môi trường, sáng - xanh - sạch - đẹp.

Đà Vị hôm nay thật sự đã thay da đổi thịt, xã đang phấn đấu trở thành đô thị loại V. Hiện cơ sở vật chất của xã tương đối hoàn thiện, tại địa phương hiện có nghề làm bún khô, nghề nuôi cá lồng, trồng xoan, trồng cây cam đều là những nghề mới có tiềm năng, thế mạnh để có thể phát triển kinh tế và mang lại thu nhập khá cho người dân. Đây chính là tiền đề để Đà Vị phấn đấu về đích NTM trong năm 2024./.

Trần Hồng Khuyên/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục