Chuyện lạ ở Thái Long (Tuyên Quang): Có người hiến cả 500m2 đất để làm đường giao thông nông thôn

Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo vùng quê miền núi xã Thái Long (TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã có những đổi thay mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện và ngày càng khang trang hơn. Đời sống, thu nhập của người dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt.

Có được những kết quả quan trọng là nhờ có sự đồng thuận, góp sức của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Trên 8.500 m2 đất được nhân dân đóng góp xây dựng NTM

Trước đây, hệ thống giao thông ở xã Thái Long chưa được nhựa hóa, nền đường bị sạt lở, mùa mưa lầy lội, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn.

Với phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ",  xã Thái Long đã tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, đóng góp công góp sức tham gia đổ bê tông tuyến đường liên xã, liên thôn.

Ông Vương Văn Bình, người dân tộc Cao Lan (thôn Tân Hải Thành, xã Thái Long, TP. Tuyên Quang) đã sẵn sàng hiền hàng chục mét đất mặt đường có giá trị cao để làm đường nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Chương

Điển hình cho phong trào này phải kể đến gia đình ông Vương Văn Bình, người dân tộc Cao Lan ở thôn Tân Hải Thành.

Sau khi có chủ trương, ông Bình không chút đắn đo mà tự nguyện phá hàng rào dỡ cổng và hiến mảnh đất dài với chiều dài mặt đường 40m sâu 1,5m để tạo mặt bằng phục vụ cho việc thi công tuyến đường.

Ông Bình chia sẻ: Trước đây, con đường này vừa bé vừa xấu, đất đá gồ ghề rất khó đi, nhất là vào mùa mưa, đường trơn trượt, khổ nhất là vào lúc mùa màng thì vất vả vô cùng.

"Dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng được nhà nước hỗ trợ, mình chỉ bỏ ra một chút mà có con đường đẹp đi lại thuận lợi cho chính gia đình và ngưởi dân, sao phải đắn đo. Giao thông phải thuận tiện thì mới phát triển kinh tế và nâng cao đời sống được", ông Bình quả quyết.

Dẫu biết "tấc đất, tấc vàng" nhưng cùng suy nghĩ để xây dựng các cơ sở hạ tầng là phục vụ cho chính gia đình, ông Trần Văn Long cùng thôn cũng đã sẵn sàng tự nguyện hiến khoảng 500m2 để làm đường giao thông.

"Tuyến đường sau khi xây dựng xong, mặt đường rộng giúp các cháu học sinh đi đến trường được an toàn; tạo điều kiện cho bà con đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa thuận lợi hơn nên ai cũng rất phấn khởi", ông Đinh Như Bình người hiến hơn 400m2 đất làm đường, phấn khởi nói.

Hiến đất làm đường ở Thái Long đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ với của 185 hộ dân tham gia và trên 8.500 m2 đất được hiến để làm các công trình phúc lợi như đường giao thông, nhà văn hoá...

Có thể nói phong trào góp công, góp của xây dựng NTM của nhân dân xã Thái Long là một điển hình trong phong trào xây dựng NTM góp phần quan trọng vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của TP. Tuyên Quang.

Bí quyết của thành công là công tác dân vận và dân chủ cơ sở

Chia sẻ với Báo NTNN/ Dân Việt, Ông Vũ Đức Long – Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Thái Long có xuất phát điểm rất thấp, khi bắt đầu triển khai năm 2011, xã mới đạt 3/19 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 15 %, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 10 triệu đồng/người/năm;

Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, cấp uỷ, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch và xác định thực hiện các công việc theo thứ tự ưu tiên với những giải pháp cụ thể.

Nhờ có hệ thống giao thông thuận lợi, nhiều mô hình phát triển kinh tế ở Thái Long đã được hình thành với doanh thu lên đến hàng trăm triệu mỗi năm. Ảnh: Nguyễn Chương

Trong đó, công tác dân vận được đặt lên hàng đầu. Đảng uỷ, UBND xã luôn tập trung chỉ đạo và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức tuyên truyền.

Xã Thái Long đã phát động các phong trào thi đua yêu nước gắn với thi đua thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; tổ chức các cuộc thi về "Dân vận khéo"; "Chương trình văn nghệ tuyên truyền Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM"; phong trào thi đua "Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới"…

Bên cạnh đó, tính dân chủ cơ sở cũng được xã Thái Long luôn trú trọng với phương châm "Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra".

"Vai trò chủ thể của người dân được phát huy; các nội dung, công việc khi triển khai thực hiện đều có sự bàn bạc, tham gia ý kiến và thống nhất từ cơ sở; các nguồn vốn đầu tư được thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch. Do đó, đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân" – Ông Long chia sẻ.

Để có được tuyến đường rộng rãi, khang trang như thế này hàng chục hộ dân thôn Tân Hải Thành, xã Thái Long, TP. Tuyên Quang đã sẵn sáng bỏ ra hàng trăm m2 đất của gia đình để làm đường . Ảnh: Nguyễn Chương

Nhờ đó mà sau 10 năm xây dựng NTM, xã Thái Long đã đạt và duy trì tốt 19/19 tiêu chí và đang tiến tới NTM nâng cao. Kinh tế - xã hội tiếp tục có sự phát triển vượt bậc, nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh, tạo nên diện mạo nông thôn khởi sắc hơn.

Thu nhập bình quân đầu người đã đạt 43,10 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,5% năm 2011 xuống còn 3,4 % vào năm 2018, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn 2,7%.

Chia sẻ thêm về định hướng xây dựng NTM trong thời gian tới, ông Long cho biết: Thái Long sẽ tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với quy hoạch sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất – kinh doanh – dịch vụ để nâng cao thu nhập cho người dân.

"Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Từ đó đảm bảo duy trì, giữ vững đạt chuẩn nông thôn mới qua các năm để làm cơ sở đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo đúng kế hoạch đã đề ra". Ông Long chia sẻ thêm.

 

Bài, ảnh: Trang Thảo - Ngọc Hà/danviet.vn

Tin cùng chuyên mục