Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Lâm Bình

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lâm Bình đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 29/4/2021 về phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2025.

Các mô hình phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Lâm Bình

Với mục tiêu tập trung đổi mới, tổ chức sản xuất nông nghiệp tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ; phát huy lợi thế của địa phương để phát triển một số cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo chuỗi giá trị sản phẩm có thương hiệu. Nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống,vật chất, tinh thần của Nhân dân, bảo đảm an ninh nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo tiền đề vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đến nay sản lượng lương thực của huyện hàng năm đạt trên 17.000 tấn. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản đạt gần 572 tỷ đồng, chiếm trên 41% cơ cấu kinh tế, trong đó: giá trị sản xuất nông nghiệp trên 62%, giá trị sản xuất lâm nghiệp gần 30%, giá trị sản xuất thủy sản 8,2%. Đồng thời phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có thế mạnh như: 500ha lạc thương phẩm tại các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can, Thổ Bình; gần 25 ha rau đặc sản tại các xã Hồng Quang, Bình An, Lăng Can.

Một trong những giải pháp được huyện Lâm Bình đặc biệt coi trọng đó là công tác chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và thảm thực vật phong phú cũng như các loài động, thực vật quý hiếm. Với gần 13 nghìn ha diện tích rừng được giao nhận khoán, bảo vệ, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân và tổ chức cho nhiều hộ gia đình nhận khoán trong đó có 61 hộ chăm sóc bảo vệ rừng tại vùng lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình với tổng diện tích trên 3.000 ha. Cùng với đó huyện Lâm Bình cũng đã tập trung hỗ trợ các gia đình này được ưu tiên phát triển kinh tế dưới tán rừng bằng các hình thức như chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện trồng mới 3.600 ha rừng, khai thác trên 1.200 ha rừng sản xuất qua đó đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Cùng với việc trồng và chăm sóc rừng, công tác bảo vệ diện tích rừng hiện có cũng được cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở quan tâm. Nếu như năm 2015, tỷ lệ che phủ rừng của huyện Lâm Bình đạt 70% thì đến nay con số này đã tăng lên 79%, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa năm 2020 đạt  571 tỷ đồng, tăng bình quân gần 7%/năm.

Sản xuất nông, lâm nghiệp luôn được huyện Lâm Bình gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huyện đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh; tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đổi mới, củng cố các hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích phát triển mô hình doanh nghiệp hợp tác với nông dân để đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn huyện đã có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí bình quân đạt 14 tiêu chí/xã, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, môi trường, nhà ở dân cư được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lâm Bình thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo không khí thi đua sôi nổi tại các xã, thôn, làm thay đổi diện mạo nông thôn, nhiều mục tiêu quan trọng của Chương trình được hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Lâm Bình tiếp tục xác định nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới các xã; đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân tổ chức tốt sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, huyện Lâm Bình có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (4/9 xã), trong đó: Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí của 02 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu có thêm ít nhất 02 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; 01 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; nâng số tiêu chí bình quân chung toàn huyện đạt 17,0 tiêu chí/xã; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện có ít nhất 01 thôn đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu” và 01 vườn hộ gia đình đạt chuẩn “Vườn mẫu nông thôn mới”.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Lâm Bình đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng có hiệu quả đất đai, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp hàng hóa, các sản phẩm đặc sản có lợi thế của huyện. Tổ chức sản xuất tốt cây trồng, vật nuôi chủ yếu, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sản xuất theo quy trình VietGAP, nông nghiệp hữu cơ gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Bên cạnh đó,cấp ủy chính quyền huyện cũng đang tích cực rà soát, hướng dẫn các xã và người dân phát huy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng để phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế và từng bước xây dựng các trang trại, gia trại, liên kết, xây dựng các chuỗi sản phẩm.

Phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị gắn với nâng cao chất lượng việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lâm Bình xác định trong giai đoạn 2020-2025./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục