Lãnh đạo Bộ Công an thăm mô hình camera an ninh tại xã Thái Bình (Ảnh nguồn Internet)
Ngày 18/9/2023 Uỷ ban nhân dân huyện Yên Sơn đã có báo cáo số 732/BC-UBND về đề xuất mô hình xã nông thôn mới thông minh. Theo đó huyện đề xuất xây dựng xã Thái Bình sẽ xây dựng xã nông thôn mới thông minh, thời gian thực hiện năm 2024.
Thái Bình hiện nay là xã duy nhất của tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2021; xã nằm ở phía Đông Bắc của huyện Yên Sơn, cách trung tâm huyện Yên Sơn 19 km, cách thành phố Tuyên Quang 06 km về phía Đông theo tuyến quốc lộ 37 (Tuyên Quang - Thái Nguyên). Tổng diện tích đất tự nhiên 0,26km2; trong đó đất nông nghiệp 0,23km2, đất phi nông nghiệp 0,026km2, đất chưa sử dụng 0,0049km2; Xã Thái Bình có 09 thôn, 1.278 hộ, 5.319 nhân khẩu, 14 dân tộc cùng sinh sống, trong đó: dân tộc Kinh 4.568 người, chiếm 90,4%; dân tộc Tày 184 người, chiếm 3,6%; còn lại là các dân tộc khác chiếm 5,95%. Trên địa bàn xã không còn hộ nghèo, 06 hộ đang hưởng bảo trợ xã hội chiếm 0,47%. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 55,64 triệu đồng/người/năm.
Năm 2022, xã Thái Bình đã tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025. Để hoàn thành xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đòi hỏi xã cần phải có một thôn thông minh bao hàm đủ các điều kiện: Có hạ tầng mạng Internet băng rộng, cáp quang phủ sóng di động 3G, 4G đến hộ gia đình; có hệ thống lao truyền thanh thông minh để tiếp nhận, phát từ đài truyền thanh cấp xã và ứng dụng công nghệ thông minh (điện thoại thông minh đạt hơn) … có ít nhất một Camera IP được lắp đặt tại tuyến đường của thôn để giám sát an ninh trong khu vực. Đến nay, xã Thái Bình đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến, kết quả số hóa thủ tục hành chính, kết quả thanh toán trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4... của xã đạt cao. Đồng thời hệ thống camera an ninh đã phủ khắp xóm; nhà văn hóa xã đã lắp đặt mạng wifi tốc độ cao; tỷ lệ sử dụng mạng wifi của các hộ đạt trên 60%; nhiều mặt hàng nông sản đã được giới thiệu, quảng bá, giao dịch qua internet, mạng xã hội; tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt trên 70%.
Các thành phần tham gia mô hình xã thông minh đều phải tăng cường, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý; trong giao tiếp, tương tác với người dân; trong quảng bá, tiếp thị, cung cấp các dịch vụ xã hội. Chính quyền xã phải ứng dụng các phần mềm dùng chung với cấp huyện, cấp tỉnh (phần mềm quản lý văn bản có ứng dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử liên thông 4 cấp, hệ thống thư điện tử, hệ thống một cửa điện tử,...) để tạo sự đồng bộ, thống nhất và liên thông trong hệ thống chính quyền. Triển khai ứng dụng công nghệ nhằm hỗ trợ thêm cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền xã như: Phần mềm quản lý tài sản, phần mềm tài chính - kế toán, phần mềm quản lý nhân sự,.... Thiết lập trang thông tin điện tử riêng của xã hoặc là một trang thành phần thuộc cổng thông tin điện tử của UBND huyện/tỉnh để cung cấp thông tin về các hoạt động của chính quyền xã, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và quảng bá về hình ảnh, các nét văn hóa đặc trưng của xã. Cán bộ, công chức xã tăng cường sử dụng công nghệ số trong công việc, giao tiếp với người dân thông qua các phương tiện truyền thông số, mạng xã hội của Việt Nam. Ứng dụng công nghệ để hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu và hình ảnh về mô hình xã thông minh, thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, dịch vụ du lịch của địa phương trên môi trường mạng. Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chung của xã trên môi trường mạng ….
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới thông minh cũng là quyết tâm cao của các cơ quan ban ngành liên quan của tỉnh Tuyên Quang trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Theo ông Lê Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tập huấn về chuyển đổi số cho các địa phương, phát huy vai trò của “Tổ công nghệ số cộng đồng” tại cấp xã và thôn, xóm, nâng cao kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ, ứng dụng của internet vào đời sống nhân dân tại nông thôn.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã triển khai thực hiện được trên 10 năm, một chặng đường nhiều gian nan, khó khăn nhưng kết quả mà chương trình mang lại đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn của tỉnh. Các cơ sở hạ tầng cơ bản được đầu tư xây dựng, đường làng, ngõ xóm rộng rãi, sáng sủa, cây cối xanh mát, trong lành, … Hưởng ứng cuộc cách mạng 4.0, việc phủ sóng tương đối rộng khắp các thiết bị điện tử thông minh cũng đã góp phần cho người dân nông thôn được hưởng những lợi ích thiết thực, thuận lợi để bắt kịp cuộc sống của người dân thành thị.
Cũng theo ông Nam, tỉnh Tuyên Quang đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thái Bình trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Thời gian tới, Thái Bình sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đạt được, hoàn thiện các tiêu chí còn lại để tiến tới đạt xã nông thôn mới thông minh trong năm 2024./.