Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong

Xây dựng nông thôn mới cần phát huy quyền làm chủ của người dân, vì đây là quá trình nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhân dân là lực lượng chính trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo của nông thôn theo hướng ngày càng văn minh, tiến bộ. Nhân dân là người chủ - người có quyền trực tiếp tham gia, quyết định, giám sát các hoạt động trong xây dựng nông thôn mới; trực tiếp tổ chức, giám sát các hoạt động và hưởng lợi trong xây dựng nông thôn mới một cách đầy đủ, kịp thời.

Sinh ra và lớn lên tại một xã thuần nông, nằm ở phía Tây Nam huyện Sơn Dương, ông Nguyễn Mạnh Dũng, thôn Đông Trai, xã Đông Thọ là một trong số nhiều hộ dân điển hình, luôn gương mẫu, đi đầu trong việc tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, thôn. Trước yêu cầu xây dựng 19 tiêu chí để phấn đấu xã Đông Thọ đạt chuẩn nông thôn mới, ông Nguyễn Mạnh Dũng đã tích cực tuyên truyền các hộ gia đình khác trong thôn, trong xã nắm và hiểu được xây dựng nông thôn mới là một việc làm đem lại nhiều lợi ích thiết thực.

Nhận thấy được vai trò và trách nhiệm của người dân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được giám sát và được hưởng lợi. Từ đó không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc tự giác chấp hành, tự nguyện đóng góp ngày công lao động, tiền của, hiến đất, tài sản trên đất... để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống; bản thân ông Dũng luôn nhận thấy đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, xác định tư tưởng phải tiên phong, gương mẫu, ông đã cùng gia đình đã chủ động hiến một phần đất để làm đường giao thông nông thôn.

Trên địa bàn xã Đông Thọ có tuyến đường ĐH 21 là tuyến đường nối từ tuyến đường ĐT 186 với tuyến đường ĐH 04 (Vĩnh Lợi - Trường Sinh), là tuyến đường huyết mạch của xã Đông Thọ với chiều dài là 4,3 km phục vụ giao thương hàng hóa của người dân nơi đây với các xã lân cận.Tuyến đường được giải cấp phối từ những năm 2007, tuy nhiên tuyến đường nhỏ hẹp, qua thời gian dài sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp, vào mùa mưa người dân đi lại gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, huyện Sơn Dương có chủ trương thực hiện sửa chữa, nâng cấp tuyến đường ĐH 21 đoạn qua xã Đông Thọ. Với phương châm“Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, không có kinh phí hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng. Nhận thức được lợi ích trong việc đầu tư nâng cấp tuyến đường, với tinh thần tự nguyện hiến đất để làm đường, người dân đều nhất trí đồng lòng ủng hộ. 96 hộ dân thuộc 5 thôn: Đá Trơn, Hữu Lộc, Đông Ninh, Đông Trai, Đông Thịnh, xã Đông Thọ đã chủ động hiến 1.235,7 m2 đất và tháo dỡ tường rào, vật kiến trúc trên đất để mở rộng mặt đường. Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện nhanh chóng đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Đoạn đường ĐH04 qua xã Đông Thọ được cứng hóa nhờ người dân hiến đất

Sau khi bàn bạc, thống nhất với gia đình ông Dũng cũng đã đóng góp 20 ca máy xúc, huy động 03 xe ô tô vận chuyển đất và ủng hộ trên 50 triệu đồng tiền mặt để chi trả tiền công lái máy, tiền nguyên liệu, vật tư máy móc trong 02 tháng san gạt, giải phóng mặt bằng tuyến đường. Ngoài ra, gia đình ông Dũng luôn gương mẫu, đi đầu trong việc tuyên truyền bà con trong xóm thực hiện tốt các phong trào thi đua tại địa phương gắn với phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”; tham gia đóng góp tiền, công lao động để thi công xây dựng các công trình như: đường giao thông nông thôn, lắp đặt kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, xây dựng nhà văn hóa... của thôn, xã.

Ông Dũng chia sẻ: Đến nay tuyến đường ĐH 21 đã được cứng hóa bằng bê tông phục vụ giao thông đi lại cho nhân dân, con đường mới mở ra không chỉ giúp việc đi lại thuận tiện, mà còn giúp cho người dân chúng nơi đây có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Bản thân ông cũng như nhiều hộ gia đình khác rất vui mừng khi đã góp một phần công sức nhỏ bé của gia đình để xây dựng tuyến đường ĐH 21 khang trang, sạch đẹp hơn, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Những việc làm của ông Dũng và nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Đông Thọ tưởng chừng như nhỏ bé, nhưng đã có sức lan tỏa, tác động đến tinh thần, ý thức tự giác của người dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Mọi công việc đều được tiến hành công khai, minh bạch với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng”. Từ đó, xã Đông Thọ đã nhận được sự đồng thuận rất cao của bà con nhân dân trong toàn xã cùng chung tay đóng góp xây dựng nông thôn mới./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục