Phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới của huyện vùng cao

Huyện Na Hang hiện có trên 1.300 ha chè Shan tuyết. Xác định chè là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện, thời gian qua, huyện Na Hang đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến chè, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân tăng thu nhập, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè Shan tuyết đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, huyện Na Hang đã thực hiện Đề án “Phát triển cây chè đặc sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”. Huyện đã tiến hành quy hoạch vùng trồng chè Shan tuyết ở 3 xã Sinh Long, Sơn Phú và Hồng Thái. Sau 5 năm thực hiện Đề án, đến nay, sản phẩm chè Shan tuyết đã bước đầu khẳng định được thương hiệu trên thị trường, giá trị sản phẩm chè được nâng lên đã góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ dân. Sản phẩm chè Shan tuyết được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nhờ hương vị riêng có, vị thơm sâu đặc trưng, đậm đà, ngọt hậu.

Hiện nay, chính sách phát triển cây chè đặc sản trên địa bàn huyện đã được quan tâm hơn, khuyến khích nhân dân tham gia trồng, chế biến sản phẩm chè theo đúng quy trình kỹ thuật, nâng cao hiệu quả, thu nhập cho hộ gia đình. Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai, sử dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để phát triển, nâng cao hiệu quả từ sản xuất, chế biến sản phẩm chè. Toàn huyện hiện có công ty TNHH Việt Dũng, Công ty cổ phần Chè núi Kia Tăng, 3 Hợp tác xã, 2 tổ hợp tác và 15 hộ dân đầu tư vào chế biến, sản xuất chè. Vùng nguyên liệu chè phục vụ cho các cơ sở chế biến đạt trên 300 ha, giá nguyên liệu chè búp tươi bình quân trên địa bàn huyện là 20 - 30 nghìn đồng/kg.

Để đạt được kết quả đó, trong thời gian qua, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền tới nhân dân về chủ trương phát triển cây chè đặc sản gắn với việc bảo vệ, phát triển rừng bền vững, giúp nhân dân nhận thức rõ hiệu quả khi tham gia phát triển cây chè đặc sản gắn với phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, làm tốt công tác quản lý về chỉ dẫn địa lý chè Shan Tuyết Na Hang gắn với thực hiện các chương trình về duy trì, phát triển cây chè hướng đến xuất khẩu.

Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái, Na Hang đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Tuyên Quang

Huyện Na Hang phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đặc sản của huyện đạt trên 1.480 ha, trong đó có trên 1.300 ha chè cho sản phẩm. Năng suất bình quân đạt trên 28 tạ/ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi đạt trên 3.900 tấn, tăng 2,1 lần so với năm 2020, giá trị sản phẩm chè tăng từ 1,5-2 lần so với năm 2020.

Cây chè Shan tuyết không chỉ giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phòng chống thiên tai mà còn đóng vai trò quan trọng trong Chương trình giảm nghèo, nâng cao đời sống cho các hộ dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện vùng cao Na Hang. Sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang hiện đã được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhờ đó, cây chè Shan tuyết từ cây rừng hoang nay đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh, đem lại cho người dân ở huyện Na Hang thu nhập ổn định, bền vững.

Để ngày càng nâng cao chất lượng chè Shan tuyết hơn nữa, thời gian tới, huyện Na Hang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đầu tư và liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo dựng được mô hình doanh nghiệp xuất khẩu chè gắn với người trồng chè, lợi nhuận của doanh nghiệp gắn với lợi ích người trồng chè. Đồng thời, quản lý vùng nguyên liệu chè tập trung trên cơ sở thực hiện liên kết sản xuất giữa người dân với các tổ chức, doanh nghiệp, HTX chế biến chè thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, có xác nhận của chính quyền địa phương, Ủy ban nhân dân các xã chịu trách nhiệm tổ chức việc phân vùng nguyên liệu và chỉ đạo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa tổ chức, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè với người trồng chè, để các sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, chinh phục được cả các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu trong tương lai không xa.

Hiệu quả từ cây chè Shan tuyết đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa sản xuất hàng hóa nông lâm nghiệp lên một bước mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn gắn với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào cac sản phảm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Trước triển vọng kinh tế của cây chè, huyện Na Hang sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm chè đặc sản, đưa thương hiệu chè Shan tuyết Na Hang ngày càng vươn xa, khẳng định được giá trị trên thị trường./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục