Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”: Định hướng phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp xã trong việc triển khai thực hiện định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương, tạo các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hóa, phát triển dịch vụ.

Ngày 02/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 919/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2025 là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có chiều sâu, hiệu quả và phát triển bền vững.

Mục tiêu của chương trình là đến năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng từ 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; Có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất 20% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh; Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa 7600 hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...).

Sản phẩm Trà túi lọc đậu đen xanh lòng (Ảnh nguồn internet)

Tuyên Quang là địa phương nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: Dưa lưới DUC DUONG FARM (Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương), Trà Ngọc Thuý (Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn), Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá (Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hoá),...

Để triển khai thực hiện chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng sản phẩm hiện có tại các địa phương, dự kiến sản phẩm đặc sản truyền thống, sản phẩm đặc trưng có lợi thế thực hiện chương trình OCOP. Đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 191 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, cụ thể: Nhóm thực phẩm 171 sản phẩm; nhóm đồ uống 13 sản phẩm; nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu 03 sản phẩm; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ 01 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch 03 sản phẩm, trên địa bàn 94 xã, phường, thị trấn của 134 chủ thể.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh việc triển khai chương trình vẫn còn hạn chế do đặc thù của từng địa phương. Cụ thể như một số sản phẩm chưa quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn rất hạn chế, chủ yếu là sản xuất thủ công. Trong khi đó, một số sản phẩm có chất lượng, sản lượng tốt thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và các biện pháp để truy xuất nguồn gốc nhưng phải cạnh tranh về giá và thị trường với các sản phẩm cùng loại hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa hợp chuẩn, hợp quy gây khó khăn trong khâu tiêu thụ...

Theo ông Lê Hải Nam - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: “Để thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai chương trình OCOP, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về những lợi thế khi tham gia chương trình OCOP, các địa phương cần rà soát, tập trung hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện cụ thể cho các tổ chức kinh tế, các hộ sản xuất tham gia chương trình để có phương án hỗ trợ, khôi phục, xây dựng, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc các cá nhân có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế được ổn định, lâu dài”.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế. Việc nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ khi các sản phẩm được xếp hạng theo tiêu chí đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP sẽ góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Với những tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, các ngành, địa phương cần hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, nông thôn và tạo ra sản phẩm, ngành nghề mới có sự khác biệt để từng bước xây dựng thương hiệu, tạo khả năng cạnh tranh, không chỉ sản xuất và phát triển trong một xã mà còn nhân rộng ra các địa phương.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục