Tình hình, giải pháp thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm tại các xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) gồm 08 chỉ tiêu, là tiêu chí động, không ổn định và thay đổi thường xuyên theo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là tiêu chí khó thực hiện nhất, còn nhiều tồn tại, hạn chế, phụ thuộc phần lớn vào ý thức của người dân và đang đối mặt với những thách thức lớn.

Để có kết quả tốt phải có quyết tâm cao,với  sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộcủangười dân; có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục của các cấp ủy, chính quyền cùng với sự quan tâm, hưởng ứng của toàn xã hội. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đường hoa xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang

Trên cơ sở Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 115/QĐ-UBND ngày 14/4/2017 của UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành một số chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản số 1261/HD-TNMT ngày 16/7/2017 hướng dẫn thực hiện, đánh giá một số nội dung thuộc tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong “Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020”; văn bản số 413/HD-TNMT ngày 31/3/2020 “hướng dẫn thực hiện một số chỉ tiêu về Cảnh quan - Môi trường trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; bộ tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu; bộ tiêu chí vườn mẫu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2018-2020”.


Công tác vệ sinh môi trường trên tuyến đường xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa

Đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 36 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, theo kế hoạch năm 2020 có 11 xã được công nhận nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 47 xã. Qua kiểm tra, rà soát tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho thấy, tình hình thực hiện tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể như sau:

Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh tại các xã đã đạt chuẩn đều đạt trên 90%.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã đã cơ bản ý thức được công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình như: lập các thủ tục về môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch Bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, các gia trại chăn nuôi đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi.

Công tác quy hoạch và quản lý nghĩa trang: Các xã đã lập quy hoạch nông thôn mới và được UBND huyện thẩm định, phê duyệt. Trong quy hoạch, các xã đã bố trí quỹ đất quy hoạch mở rộng các nghĩa trang phục vụ nhu cầu an táng của người dân trong xã. Đồng thời các xã đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nghĩa trang, góp phần đưa hoạt động của nghĩa trang nhân dân đi vào nề nếp và sử dụng đạt hiệu quả quỹ đất của địa phương. Mỗi nghĩa trang đều cắt cử người trông coi, bảo vệ, hướng dẫn duy trì việc sử dụng nghĩa trang.

Thu gom, xử lý chất thải: Các xã đạt chuẩn NTM đã thành lập các tổ đội thu gom rác thải sinh hoạt. Việc thu gom rác thải hiện nay đã đi vào nề nếp, góp phần chấm dứt tình trạng vứt rác xuống lòng sông, lề đường, nơi công cộng.....tạo cảnh quan xanh sạch đẹp tại vùng nông thôn.
Các xã đã đầu tư các công trình xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu theo 2 hình thức: chôn lấp hợp vệ sinh hoặc lò đốt. Các xã đã có khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung bố trí đúng quy hoạch.

 Có thể nói việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng quê nông thôn tỉnh Tuyên Quang, trong đó có lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đối với xã đăng ký, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020 việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế. Qua kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy, việc triển khai thực hiện tiêu chí tại nhiều xã chưa có nơi tập kết rác thải, chưa có các mô hình xã hội hóa công tác thu gom rác thải, rác thải chủ yếu được thu gom, phân loại xử lý tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tình trạng đổ thải rác thải ra ven đường, sông, suối, kênh mương, vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng không được gom đúng nơi quy định, chất thải chăn nuôi tại một số hộ chưa được xử lý triệt để gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Đặc biệt hầu hết các xã đều đến giai đoạn “nước rút” mới tập trung cho việc triển khai thực hiện tiêu chí. Do đó, tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm thường đạt cuối cùng trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thậm chí nhiều xã trở thành xã cần phải cân nhắc trong bỏ phiếu công nhận.


Hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom rác thải  tại xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương

Để thực hiện tốt tiêu chí môi trường và an toàn thực phầm trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Về cơ chế chính sách: Đề nghị các cơ quan, ban, ngành trung ương tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tiêu chí chí môi trường và an toàn thực phẩm trong bộ tiêu chí xã nông mới áp dụng cho giai đoạn tới. Trong đó đề nghị xây dựng bộ tiêu chí phân theo vùng địa lý để đảm bảo việc xây dựng nông thôn mới phù hợp với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa (về tỷ lệ thu gom, phân loại chất thải rắn; xây dựng nghĩa trang, bãi rác theo cụm xã…); cần có chính sách hỗ trợ UBND huyện và xã trong quản lý môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.

- Về tổ chức thực hiện: Đối với xã đã được công nhận đạt chuẩn, ngoài việc duy trì chỉ tiêu môi trường theo yêu cầu, cần phải thực hiện nâng cao chất lượng của tiêu chí để đạt bền vững. Đặc biệt cần phải xây dựng những mô hình thí điểm, vừa làm điểm mấu chốt trong việc nâng cao chất lượng, vừa làm mô hình “mẫu”, nhằm góp phần làm thay đổi hơn nữa bộ mặt của toàn xã, tiến tới xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Theo đó, các xã cần xác định, những chỉ tiêu “cứng” bắt buộc áp dụng (tỷ lệ chất thải được thu gom và xử lý, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh...), cũng như việc thực hiện các chỉ tiêu “mới” so với yêu cầu tại quy định của giai đoạn được công nhận đạt chuẩn, nhằm góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường.

Đổi mới công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường thông qua các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội các cấp. Đặc biệt chú ý vào vấn đề nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường; củng cố và phát triển các tổ tự quản về môi trường; nâng cao tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định ở mức tối đa; chú trọng đến việc xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn... Bên cạnh đó, cần xây dựng các mô hình kiểu mẫu đối với từng chỉ tiêu cụ thể trong tiêu chí môi trường, như mô hình thực hiện tốt chỉ tiêu về cảnh quan môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật...

Hướng dẫn các xã vận hành bãi chôn lấp hợp vệ sinh; phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hỗ trợ các xã xây dựng bãi chôn lấp, lò đốt rác.

Khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư tài chính, nghiên cứu các ứng dụng khoa học công nghệ nhằm xử lý rác thải. Việc xử lý rác thải bằng lò đốt góp phần giải quyết vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, thay thế cho giải pháp bãi chôn lấp vận hành không đúng quy trình gây ô nhiễm môi trường,..... áp dụng công nghệ sinh học trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, vận động người dân sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân hóa học; xây dựng được nguồn nông sản an toàn cho thị trường và định hướng cho người dân hướng đến sản phẩm sạch.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân tin tưởng rằng Tuyên Quang sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, góp phần hoàn thành việc thực hiện xây dựng nông thôn mới năm 2020 đúng kế hoạch, lộ trình đề ra./.

Bùi Xuân Sáng/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục