Tiêu chí An ninh trật tự trong nông thôn mới: Dễ mà không Dễ

Qua Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, gắn với việc thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xã Tân Long, huyện Yên Sơn đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình làm tốt công tác bảo vệ ANTT ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải. Trong đó, có nhiều mô hình phát huy có hiệu quả làm giảm tội phạm ở cơ sở. Đạt được các tiêu chí đã khó, giữ vững các tiêu chí càng không phải chuyện đơn giản, nhất là những tiêu chí “mềm” như môi trường và an toàn thực phẩm, an ninh trật tự...

Công an Yên Sơn tuyên truyền, vận động nhân dân xã đề cao cảnh giác với các loại tội phạm (Ảnh nguồn Internet)

An ninh trật tự là một chỉ tiêu trong tiêu chí số 19. Đảm bảo an ninh trật tự có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây là tiêu chí khó giữ vững, rất dễ có sự biến động nếu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Xã Tân Long (Yên Sơn) là một trong 8 xã đăng ký về đích xây dựng nông thôn mới năm 2021. Trong thời gian thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong số các tiêu chí đang thực hiện và đã đạt được, một trong những tiêu chí khó giữ nhất đối với chính quyền xã là tiêu chí về an ninh trật tự. 

Xác định đây là tiêu chí phức tạp, khó thực hiện, cách làm của chính quyền xã Tân Long là “từ điển hình nhân ra diện rộng”. Ông Nguyễn Chí Thuật, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết: Trước đó xã xây dựng mô hình “thôn xóm bình yên” tại các thôn. Các thôn này thành lập các tổ tự quản, trong đó lấy đảng viên làm trung tâm, mỗi đảng viên phụ trách một nhóm hộ từ 10-12 hộ gia đình. Khi phát hiện có vụ việc phức tạp, tổ tự quản đến từng hộ gia đình tuyên truyền, thuyết phục và hỗ trợ cách thức giải quyết phù hợp, không để sự việc diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự thôn xóm. 

Ông Nguyễn Chí Thuật chia sẻ thêm: Tiêu chí An ninh trật tự là tiêu chí “bấp bênh” và khó giữ nhất, vì các vụ việc phức tạp thường diễn biến nhanh và không chủ động được. Do đó, xã cũng đã triển khai thêm một số giải pháp như: Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phong trào đấu tranh, tố giác tội phạm; tăng cường tuần tra, thông báo các nội dung liên quan trong các cuộc họp xã, thôn; việc xử lý đơn thư đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật và “thấu tình đạt lý”... 

Sau 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Tân Long đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Kinh tế - xã hội của xã đã có sự phát triển vượt bậc, hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ. 100% đường trục xã, 96% đường liên thôn, 61% đường thôn đã được cứng hóa; 2/3 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định đạt 92,8%; 95,4% người dân trong độ tuổi lao động có việc làm; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 3,92%; 14/14 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Theo Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong năm 2022, toàn tỉnh có 105/122 (86,06%) xã đạt tiêu chí về quốc phòng và an ninh trật tự. Vì đây là tiêu chí khó lường trước, mà bài học nhãn tiền là xã Kim Phú (Thành phố Tuyên Quang), đã xảy ra 01 vụ án nghiêm trọng ngay từ những ngày đầu năm 2022. Trước những biến cố khó lường đó, để đạt được những mục tiêu cao hơn nữa trong thời gian tới, xã cần có sự quyết tâm cao, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự góp sức của toàn xã hội và đặc biệt từ chính những người dân - những “chủ thể” của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây sẽ là tiền đề quan trọng tiếp thêm động lực cho địa phương hướng tới mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong những năm tiếp theo./.

Lê Thành Trung/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục