Tuyên Quang phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Là tỉnh có nền sinh thái nông nghiệp đa dạng, nhiều làng nghề, nhiều đặc trưng văn hoá nông nghiệp, Tuyên Quang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp, nông thôn “cất cánh”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế thì cần có lộ trình với những định hướng, giải pháp hiệu quả.

Ruộng bậc thang Hồng Thái, huyện Na Hang

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM. Ngày 07-12-2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2015, trong đó nhận định: Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo. Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX), tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả. Mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Với tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và nỗ lực, cố gắng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, HTX, hoạt động du lịch nông thôn có nhiều khởi sắc, bước đầu ghi được dấu ấn gắn với kết quả trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Nhiều mô hình đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm theo mùa nông nghiệp như: Lễ hội hoa lê, ruộng bậc thang xã Hồng Thái, huyện Na Hang; ruộng bậc thang xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình; khai thác nhà vườn, trang trại, khu sinh thái, khu công nghệ cao phát triển thành các điểm du lịch trải nghiệm như: Cam sành, thanh long ruột đỏ huyện Hàm Yên; làng nghề chè Vĩnh Tân, huyện Sơn Dương; chè Shan Khau Mút xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình; bưởi Phúc Ninh, Xuân Vân, huyện Yên Sơn; cá lồng hồ Na Hang, Lâm Bình... kết nối với các điểm du lịch của tỉnh.

Cùng với việc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), một số địa phương trong tỉnh cũng đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, tận dụng được lợi thế của mình để khôi phục, tạo đà phát triển cho nhiều nghề và làng nghề truyền thống, nhiều sản phẩm đặc trưng, các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch như: mô hình du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với tìm hiểu lịch sử, văn hóa; du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh; du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với làng nghề truyền thống, du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với du lịch sinh thái – nông trại; du lịch trải nghiệm đồng quê gắn với lao động sản xuất... Những mô hình này không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Hơn hết, đây là điểm tham quan du lịch hấp dẫn, độc đáo, nơi du khách thêm hiểu biết, yêu quý hơn về đất và người nơi đây.

Du khách tham quan, chụp ảnh tại đồi chè Mỹ Lâm, huyện Yên Sơn

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh cho biết: “vùng chè Mỹ Lâm có phong cảnh đẹp, chè được canh tác hữu cơ theo hướng VietGap, thương hiệu chè được bảo hộ, uy tín với khách hàng, là sản phẩm OCOP của tỉnh. Từ tiếng vang đó, nhiều đoàn khách thích lên thăm, chụp ảnh với nương chè, họ tham gia thu hái, thích thú trải nghiệm sao, đóng gói, thưởng ngoạn ấm chè ngon. Vừa có hoạt động trải nghiệm, du khách còn mua chè về làm quà. Hoạt động du lịch kết hợp chuỗi giá trị đó đang có sức hấp dẫn”.

Mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng tổng thể bức tranh du lịch nông nghiệp, nông thôn của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn còn thiếu, chưa chuyên nghiệp. Số lượng, quy mô các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn còn “khiêm tốn”. Hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho du lịch nông nghiệp, nông thôn thiếu tính đồng bộ. Hơn hết, các dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu dẫn đến tính hấp dẫn của du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa cao.

Trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh cũng đã đặt mục tiêu, mỗi xã tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, phải lựa chọn xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới, làng văn hóa, mô hình kinh tế trang trại, gia trại... gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển nông thôn với phát triển du lịch. Vì thế, ngoài các nguồn lực hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng của từng địa phương, sẽ có thêm những chính sách, nguồn vốn hỗ trợ để du lịch nông thôn thực sự trở thành điểm nhấn trong bức tranh du lịch Tuyên Quang./.

Lại Kiều Trang/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục