Hiệu quả từ những phiên giao dịch việc làm và tư vấn hướng nghiệp

Thị trường lao động năm 2022 đã phục hồi tích cực cho dù ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, cuộc chiến ở Ukraine, giá năng lượng leo thang, lạm phát cao, dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tuy nhiên nhờ kiểm soát tốt. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu cao về tuyển dụng lao động với vị trí và mức lương hấp dẫn. Do đó, các phiên giao dịch việc đang được tích cực triển khai, nhằm tăng cường kết nối giữa các bên.

Phiên Giao dịch việc làm thành phố Tuyên Quang

Năm 2022 Trung Tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức 08 Phiên giao dịch việc làm tại các huyện thành phố. Sự kiện đã thu hút 169 lượt đơn vị doanh nghiệp, trên 8.350 lao động, học sinh, sinh viên, đoàn viên… tham gia với tổng nhu cầu tuyển dụng trên 146.000 lao động. Trong đó, cơ hội dành cho các nhóm ngành may mặc, giầy da, lắp ráp linh kiện, kỹ sư, thợ vận hành máy… chiếm ưu thế; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh: Hải Dương, Phú Thọ, Điện Biên, Lạng Sơn, Thái Nguyên… tổ chức 11 Phiên giao dịch việc làm online kết nối các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các điểm cầu cho trên 632 lao động tỉnh Tuyên Quang đang hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; Năm 2022 đã tư vấn về việc làm, học nghề cho 22.794 người lao động, học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên và các đối tượng đặc thù (đạt 165% so với kế hoạch). Trong đó tư vấn việc làm, học nghề cho 5.000 người lao động nông thôn, học sinh phổ thông tại các xã vùng sâu, vùng xa thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022.

Gian hàng Tư vấn, giới thiệu việc làm

Thông qua phiên giao dịch việc làm, người tham gia sẽ được cung cấp thông tin về thị trường lao động. Qua đó, giải quyết được mối quan hệ cung - cầu lao động của tỉnh. Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã thực hiện 26 cuộc tư vấn việc làm, đào tạo nghề tại các thôn bản, các cơ sở giáo dục nghề nghề nghiệp và các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh; đăng tải 392 lượt thông tin tuyển lao động, tuyển sinh trên website, cổng thông tin điện tử Trung tâm Dịch vụ việc làm; triển khai tư vấn việc làm học nghề cho người lao động liên hệ trực tiếp tại Trung tâm. Tổng số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề là 22.285 lao động. Trong đó: tạo việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh 14.593 người; lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước 6.437 người, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 650 người. Việc tổ chức các phiên giao dịch kết nối người lao động với doanh nghiệp mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Theo số liệu báo cáo của các huyện, thành phố, ước thực hiện năm 2022 toàn tỉnh  giải quyết việc làm cho : 21.680 người, đạt 100,8% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 65%. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 24%, đạt 100% kế hoạch.

Việc thị trường lao động có nhiều tín hiệu tốt, bên cạnh sự hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, một phần còn do các cơ quan chức năng đã triển khai tốt các “kịch bản” ứng phó linh hoạt. Theo ông Hoàng Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Lao động - TB và XH Tuyên Quang, để giải quyết tốt bài toán việc làm mới cho 21.000 người lao động trong năm 2022 theo kế hoạch, Tuyên Quang đã đặt trọng tâm nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động và hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Lao động - TB và XH, để có được kết quả tích cực nêu trên, cũng như đảm bảo được các mục tiêu về việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2022, trước đó, Sở Lao động - TB và XH Tuyên Quang đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh, các địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại, cũng như xu hướng phát triển và tác động kinh tế trong thời gian tới, xu hướng dịch chuyển ngành nghề sau dịch Covid-19 nhằm tìm ra những chính sách mới phù hợp để bảo đảm việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết việc làm; hoàn thiện mạng lưới thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động từ thành phố tới địa phương, thông qua hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; đẩy mạnh công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực, báo cáo xu hướng về tình trạng việc làm, xu hướng nghề nghiệp, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và các ngành nghề đang phát triển thu hút nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Có thể thấy, các hoạt động tại ngày hội việc làm đã góp phần hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy thị trường lao động của Tuyên Quang phát triển, giúp người lao động tìm được việc làm, nơi học nghề phù hợp với nguyện vọng và năng lực; đồng thời, giúp các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề tuyển sinh đủ chỉ tiêu, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm nghèo và góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2022 của tỉnh./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục