Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực xây dựng nông thôn mới

Năm 2022, ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã chủ động, trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực quản lý của Ngành.

Khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Tuyên Quang năm 2022

Trong số 19 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí, gồm: Tiêu chí số 6 (Cơ sở vật chất văn hóa), tiêu chí số 16 (Văn hóa). Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm đưa các xã “về đích” nông thôn mới đúng lộ trình.

Thực hiện 2 tiêu chí số 6 và 16 trên địa bàn tỉnh, công tác tuyên truyền được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và có chiều sâu. Nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được lồng ghép với các nhiệm vụ của ngành, đơn vị của tỉnh, địa phương như: tổ chức các buổi nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng; tuyên truyền lưu động tại các trục đường, điểm chợ, thôn, bản, địa bàn đông dân cư; treo băng rôn; khẩu hiệu; biên tập các chương trình thông tin tổng hợp, trong đó nhiều chương trình có chủ đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới.

Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở được tỉnh quan tâm đầu tư và phát triển, cơ bản đáp ứng việc tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao cho nhân dân đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Luôn duy trì hoạt động của nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; các tổ, đội văn nghệ quần chúng thôn, tổ dân phố; các câu lạc bộ văn hóa, thể thao xã; câu lạc bộ cấp huyện; câu lạc bộ cấp tỉnh. Các đội chiếu bóng lưu động chủ động khai thác phim, tài liệu có nội dung về nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, thực hiện hơn 500 buổi chiếu phim phục vụ đồng bào các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước buổi chiếu phim tổ chức các buổi tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xã xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò quan trọng xây dựng nông thôn mới của người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Người dân chơi thể thao tại nhà văn hoá thôn Cả, Minh Thanh, huyện Sơn Dương

Toàn tỉnh hiện có 07 khu vui chơi, 03 khu quảng trường cấp huyện có sân chơi, bãi tập thể thao của các huyện Yên Sơn, Hàm Yên và Na Hang. Tổng số công trình thể thao cơ sở đang sử dụng cho hoạt động thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh là 2.756 công trình, trong đó: 11 nhà tập luyện, thi đấu thể thao, 1.114 sân bóng chuyền, 139 sân bóng đá mini, 496 sân cầu lông, 29 sân quần vợt, 32 bể bơi, 236 sân vận động không có khán đài và 700 sân chơi bãi tập khác, có bãi cỏ, mặt bằng để chơi các môn như bóng đá, bóng chuyền... tạo điều kiện để người dân được tham gia hưởng thụ và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao vui chơi, giải trí.

Xác định phát triển du lịch là một trong lĩnh vực đột phá kinh tế của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, và giảm nghèo bền vững, thời gian qua tỉnh Tuyên Quang đã và đang chú trọng khai thác, phát triển các loại hình du lịch là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: Du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng. Năm 2022, thông qua các sự kiện như: Chương trình khai mạc Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất- năm 2022 tại tỉnh Tuyên Quang; Lễ kỷ niệm 75 năm Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo kháng chiến; Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lễ đón nhận Bằng ghi danh "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022; Lễ hội Giã cốm của Chiêm Hoá; Lễ hội hương sắc hoa Lê, Tuần Văn hóa Du lịch huyện Lâm Bình; Trải nghiệm bơi mảng trên hồ Nà Nưa; toàn tỉnh thu hút hơn 2.372.000 lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt hơn 2.475 tỷ đồng. Tính đến tháng 12/2022, toàn tỉnh có 389 cơ sở lưu trú, trong đó có 01 khách sạn 4 sao; trên 250 nhà hàng ẩm thực có quy mô lớn; trên 70 tàu, thuyền vận chuyển khách du lịch tại lòng hồ thuỷ điện Na Hang, Lâm Bình; có 12 công ty, văn phòng và đại lý lữ hành đang hoạt động đưa, đón phục vụ khách du lịch đến Tuyên Quang. Để ghi nhận Tuyên Quang đã tổ chức hoạt động đón đoàn khách thứ 200 và vị khách thứ 30.000 đến tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào….

Homestay Phiêng Khàng, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hoá

Những năm gần đây, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng tại tỉnh đã và đang hình thành, thu hút được nhiều khách du lịch tham gia, bước đầu đã làm thay đổi bộ mặt du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Tuyên Quang hiện có hơn 70 cơ sở lưu trú homestay, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Lâm Bình, Sơn Dương, Na Hang, Yên Sơn. Đây là loại hình du lịch gắn với đời sống của người dân, trong đó có các dịch vụ như: du lịch nông thôn, du lịch ẩm thực, văn hoá…thu hút du khách khám phá và trải nghiệm. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển mô hình đón khách du lịch trải nghiệm theo mùa như lễ hội hoa lê, mùa vàng Hồng Thái, hoa cải vàng…tại đây du khách được hoà mình vào thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, được trải nghiệm các hoạt động như gặt lúa cùng với bà con nông dân tại thửa ruộng bậc thang… Du  lịch, dịch vụ phát triển mạnh đã góp phần phát triển kinh tế cho người dân địa phương.

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc - một du khách đến từ Hà Nội khi đến với  Lễ hội mùa vàng Hồng Thái cho biết: “Tôi cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên rất riêng của Tuyên Quang cũng như tình cảm của bà con nông dân nơi đây, sau chuyến đi này tôi sẽ giới thiệụ cho bạn bè tôi về Tuyên Quang nhiều hơn”.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Năm 2022 vừa qua, du khách đến với Tuyên Quang tăng 47,7% so với năm 2021, đạt 104% kế hoạch của năm 2022. Lượng du khách cũng tăng đáng kể sau khai mạc Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất - năm 2022 tại tỉnh Tuyên Quang. Các địa điểm du lịch của tỉnh như Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình… ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Trong thời gian tới, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, các huyện, thành phố đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy du lịch trên địa bàn, để hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đồng thời tiếp tục tham gia đoàn thẩm định Nông thôn mới tỉnh, thẩm định, xét công nhận các tiêu chí văn hóa của 08 xã mục tiêu năm 2022; kiểm tra, đánh giá kết quả, duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới đối với các huyện và thành phố.”

Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, bên cạnh việc duy trì, giữ vững những tiêu chí đã đạt được, các cấp, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có các giải pháp huy động nguồn lực hoàn thiện cơ sở vật chất văn hoá, thể thao và du lịch góp phần tạo môi trường sinh hoạt văn hoá lành mạnh, phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn Trung ương và bố trí ngân sách tỉnh ưu tiên xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch góp phần hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh”./.

Lại Kiều Trang/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục