Tích cực thực hiện công tác “Bình đẳng giới” ở Tuyên Quang

“Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội” là một trong 49 chỉ tiêu của 19 tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) và là một nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở mỗi địa phương. Bình đẳng giới được phát huy sẽ góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thể hiện quyền làm chủ của người dân, đặc biệt đối với phụ nữ.

Hội nghị tập huấn công tác bình đẳng giới tại huyện Sơn Dương

Xác định công tác bình đẳng giới là một nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang (Ngành) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và tiến bộ, tích cực tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Năm 2020, Ngành đã có nhiều văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các sở, ngành và các đơn vị triển khai thực hiện, trong đó đã đặc biệt chú trọng đến các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới; hướng dẫn các cơ quan tuyên truyền, các địa phương phổ biến pháp luật thường xuyên về bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo nâng cao hiểu biết và nhận thức đúng về bình đẳng giới một cách toàn diện trong mọi tầng lớp nhân dân: Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang ban hành Chương trình phối hợp công tác giữa Ngành và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2020 - 2022; tiến hành kiểm tra, rà soát các văn hóa phẩm phát hành trên địa bàn tỉnh, các công ty in, phát hành để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các văn hóa phẩm mang tính định kiến xã hội, phân biệt giới; phối hợp với Công an tỉnh, Trung tâm phòng chống HIV tập huấn tuyên tuyền phòng chống tội phạm, đặc biệt phòng chống tội phạm mua bán người đối với phụ nữ và trẻ em.

Nhân tháng hành động Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020, Ngành đã biên soạn, in 3.400 cuốn sách truyền thông về công tác Bình đẳng giới cấp phát cho giáo viên trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh, treo 45 băng zôn tuyên truyền trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, 75 pano tuyên truyền tại 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới thuộc huyện Lâm Bình.


Phụ nữ tham gia chăm sóc tuyến đường hoa

Tổ chức 01 lớp tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về bình đẳng giới cho 80 cán bộ, cộng tác viên cơ sở làm công tác bình đẳng giới trên địa bàn huyện Lâm Bình, 01 lớp tập huấn nâng cao năng lực công tác bình đẳng giới cho trên 90 đại biểu là Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các xã, cán bộ làm công tác bình đẳng giới cấp xã và chi hội trưởng phụ nữ thôn, bản của huyện Na Hang, 01 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho trên 100 đại biểu là các thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp xã và người dân trên địa bàn xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn; tuyên truyền lồng ghép với các Chương trình mục tiêu kinh tế- xã hội  như: phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em, Xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới…, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo Hội thảo tham vấn tài liệu bồi dưỡng nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho trên 80 đại biểu là thành viên Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp tỉnh và cấp huyện.

Ngoài ra còn duy trì thường xuyên và phát triển các mô hình đang hoạt động như: Câu lạc bộ ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; tổ phòng, chống bạo lực giới; “địa chỉ tin cậy”; “nhà tạm lánh” tại cộng đồng. Lồng ghép vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vào hoạt động của các câu lạc bộ; phổ biến kiến thức, giúp nhau làm kinh tế của phụ nữ, nông dân, thanh niên, người cao tuổi...của các ngành thành viên.

Đến hết năm 2019, Ngành đã thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó: Xã Đội Cấn đã quyết định lên Phường) đạt chuẩn chỉ tiêu 18.6 về  “Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020. Năm 2020 tiếp tục thẩm định hồ sơ thực hiện chỉ tiêu 18.6 đối với 11 xã đăng lý hoàn thành đạt chuẩn NTM, góp phần vào thành công chung của tỉnh trong công cuộc xây dựng xã nông thôn mới.

Bà Mai Thị Thanh Bình, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết “Phụ nữ đang tham gia trực tiếp và vận động người thân trong gia đình xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tham gia sản xuất, kinh doanh. Ngày càng xuất hiện nhiều điển hình nữ nông dân mạnh dạn, năng động, vượt khó đi lên làm giàu từ chính quê hương của mình. Họ tham gia bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn đưa ra thị trường. Nhiều phụ nữ đã hiến đất, góp công làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các công trình về giáo dục, y tế, văn hóa và là lực lượng chủ chốt tham gia công tác vệ sinh, bảo vệ môi trường nông thôn...” "Phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng gia đình, lưu giữ, truyền lại các giá trị văn hóa truyền thống. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm, phụ nữ luôn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình, cùng chồng chăm sóc, nuôi dạy con, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cộng đồng luôn có bóng dáng và sự đóng góp của phụ nữ".

Để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phụ nữ luôn đóng vai trò tích cực, là nguồn nhân lực lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, phụ nữ càng khẳng định vị trí trụ cột, là lực lượng lao động chính để thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục