Sức sống mới ở Tân Thịnh

- Được công nhận là xã nông thôn mới từ tháng 2-2020 nhưng không bằng lòng ở đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân ở Tân Thịnh (Chiêm Hóa) vẫn luôn nỗ lực để có những bước tiến mới. Khát vọng xây dựng một Tân Thịnh trù phú, một xã nông thôn mới thực chất luôn thường trực trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nơi đây.

 “Người dân thực sự có cuộc sống khá giả”

Tôi nhìn thấy rõ những quyết tâm làm cho người dân có cuộc sống ấm no trong đôi mắt và sự quả quyết của Chủ tịch UBND xã Lê Văn Cường. Mấy năm gần đây, Tân Thịnh là điểm đến học tập kinh nghiệm làm ăn, phát triển kinh tế của nhiều xã trong huyện. Nếu như trước năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của Tân Thịnh chiếm 23% thì đến nay giảm xuống còn 4,06%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 18 triệu đồng/người/năm đến nay đã tăng lên 39 triệu đồng/người/năm.

Người dân thôn Phúc An, xã Tân Thịnh có thu nhập khá, nâng cao ý thức chỉnh trang nhà ở.

Chủ tịch Cường cho biết, Đảng ủy, UBND xã không những tập trung lãnh đạo vận động nhân dân đi làm thêm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh trong những lúc nông nhàn mà còn lãnh đạo triển khai, tạo mọi điều kiện để người dân được tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ, vay vốn của tỉnh, huyện. Xã có khoảng 2.500 người đang trong độ tuổi lao động thì có 1.200 lao động đang đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, toàn xã có 5 trang trại tổng hợp đã được công nhận. Số trang trại này đều được vay vốn theo Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh với tổng số vốn vay 1,5 tỷ đồng.

Với quyết tâm không ngừng nâng cao tiêu chí thu nhập đầu người, Đảng ủy, UBND xã xác định cần phải hỗ trợ, hướng dẫn người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có giá trị cao. Chủ tịch Cường nhẩm tính sơ sơ cũng có khoảng 20 mô hình kinh tế cho thu nhập cao trong nhân dân. Điển hình như các mô hình nuôi trâu bò vỗ béo, sinh sản, nuôi gà lấy trứng, nuôi ốc nhồi, trồng gấc. Đặc biệt, mấy năm trở lại đây, sau khi đưa vào thí điểm một số mô hình nuôi trâu bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao, xã đã tổ chức các hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm. Sau đó nhân rộng và vận động nhiều hộ gia đình chuyển đổi diện tích đất trồng cây ngắn ngày năng suất thấp sang  trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi 60 ha đất trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc.

Ông Hoàng Khắc Hào, chủ trang trại chăn nuôi thôn Phúc An cho biết: “Trước đây tôi chăn nuôi lợn nhưng năm 2019, sau khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò lai nhốt chuồng, tôi đã mạnh dạn chuyển hướng chăn nuôi. Ban đầu chỉ nuôi vài con nhưng khi có chút lãi, tôi nhận thấy nuôi bò lai nhốt chuồng mang lại giá trị kinh tế cao gấp đôi nuôi lợn, dê. Bởi vậy tôi chuyển hẳn sang nuôi bò lai nhốt chuồng. Lúc cao điểm lên tới 20 con. Gia đình tôi hiện nay cũng trồng 1 ha cỏ voi để phục vụ chăn nuôi bò”. Ngoài nuôi bò, anh Hào còn nuôi dê thịt. Đàn dê luôn duy trì từ 40 đến 50 con. Tổng thu nhập từ chăn nuôi của gia đình anh mỗi năm lên tới 300 triệu đồng.


Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của người dân thôn Phúc An mang lại thu nhập cao.

Cũng theo Chủ tịch Cường, Tân Thịnh có lợi thế lớn đó là đất đai bằng phẳng, phì nhiêu. Vừa qua xã đã thí điểm một số mô hình trồng ngô ngọt xuất khẩu, ngô sinh khối. Đây cũng là hướng đi mới tận dụng được điều kiện đất đai ở Tân Thịnh để giúp nhân dân nâng cao thu nhập hơn nữa.

 “Dừng lại là trì trệ”

Mặc dù giai đoạn 2021 - 2025, huyện Chiêm Hóa không đưa Tân Thịnh vào diện xã đạt nông thôn mới nâng cao nhưng Tân Thịnh vẫn luôn cố gắng không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, đúng như lời Chủ tịch Cường nói với tôi: “Nếu dừng lại là sẽ trì trệ ngay”. Bởi vậy mà ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong nghị quyết của Đảng bộ xã đề ra đến năm 2025, Tân Thịnh đạt xã nông thôn mới nâng cao. Từng năm, UBND xã xây dựng kế hoạch, đề ra những công việc, tiêu chí cụ thể để hoàn thành, nhằm không ngừng nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Riêng trong năm nay, xã đề ra mục tiêu hoàn thành 500 mét đường bê tông nông thôn và xây dựng hai cầu dân sinh tại hai thôn An Phú, Phúc An. Từ đầu năm đến nay, 10/10 thôn đã vận động nhân dân hoàn thành xây dựng 10 cổng chào vào khu dân cư, trị giá hàng trăm triệu đồng.


Cổng chào vào thôn Phúc An được xây dựng từ sự đóng góp của nhân dân.

Tiếp tục nâng cao tiêu chí về nhà ở,  các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn còn vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, làm hàng rào bằng bê tông, cây xanh. Mặc dù tiêu chí nhà ở dân cư đã đạt chuẩn đến 90% nhưng xã vẫn đề ra mục tiêu phấn đấu cao hơn nữa là có 100% nhà ở đạt chuẩn. Vì vậy, riêng trong năm nay, xã đang huy động xã hội hóa để hỗ trợ làm nhà ở cho 1 hộ chính sách và 3 hộ nghèo. Ngoài nỗ lực nâng cao tiêu chí này, Đảng ủy xã Tân Thịnh đang tập trung vận động nhân dân nâng cao tiêu chí môi trường, nhất là xây dựng lò đốt rác thải tại hộ gia đình. Hiện nay, tỷ lệ này mới đạt 75%, xã đang phấn đấu nâng tỷ lệ này lên trên 90%. Ông Nguyễn Gia Chư, Trưởng thôn Phúc An chia sẻ: “Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, Phúc An đã thực sự “thay da đổi thịt”, nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao cho người dân. Thu nhập được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của toàn thôn giảm xuống chỉ còn hơn 4%. Năm nay, thôn sẽ phấn đấu xóa hộ nghèo. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nhân dân đi đầu trong đóng góp các công trình hạ tầng nông thôn. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai làm gần 200 mét đường bê tông nội thôn, phấn đấu 100% đường nội thôn đều được bê tông hóa”.

Thực tế ở Tân Thịnh cho thấy, để nông thôn mới không cũ đi thì đòi hỏi cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, xác định rõ những tiêu chí nào cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao. Từ đó huy động sức mạnh và sự đồng thuận của nhân dân để thực hiện.

Bài, ảnh:Thủy Châu/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục