Lâm Bình phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng NTM

Phát triển sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó đẩy mạnh kinh tế - xã hội phát triển. Xác định rõ điều này, những năm qua, huyện Lâm Bình đã nỗ lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng tới sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Sản phẩm Chè Khau mút đạt OCOP 3 sao

Phát huy những điều kiện thuận lợi sẵn có, đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, những năm qua huyện Lâm Bình đã đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đặc biệt, khi Tỉnh Tuyên Quang đề ra Nghị quyết số 16 ngày 22/5/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, về phát triển nông nghiệp hàng hóa. Huyện đã tập trung mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đảm bảo ổn định đời sống và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành, thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển một số cây trồng, vật nuôi đặc sản có lợi thế của địa phương, đồng thời triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Kết quả, trong 2 năm 2019 - 2020 huyện Lâm Bình đã xây dựng được 10 sản phẩm OCOP là đặc sản của địa phương như; con lợn đen, cây rau bò khai xã Lăng Can; lạc, dê núi, chè Khau Mút xã Thổ Bình; rượu thóc Lâm Bình; thịt trâu khô xã Bình An; cây giảo cổ lam xã Hồng Quang; thảo mộc Lâm Bình, xã Khuôn Hà; cá đặc sản Lâm Bình, xã Thượng Lâm; Homestay – Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can. Ngoài ra, huyện cũng hình thành một số vùng, chuỗi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa như: duy trì đàn trâu trên 7.600 con, đàn bò gần 2000 con, đàn dê trên 4.600 con, trên 480 ha cây lạc, phát triển trên 10 ha rau bò khai và trồng thử nghiệm hơn 7 ha cây dược liệu. Với lợi thế tại Hồ Sinh thái Na Hang - Lâm Bình, huyện đã tập trung phát triển, nuôi trồng thủy sản với trên 200 lồng nuôi cá đặc sản. Tổng sản lượng thủy sản toàn huyện bình quân đạt trên 400 tấn/năm. Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đại diện của địa phương tới thị trường trong và ngoài tỉnh; huyện Lâm Bình đã tạo điều kiện để hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, từ đó xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Hiện nay huyện đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý với sản phẩm Dê núi Thổ Bình và trứng vịt hồ Lâm Bình. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm đã phân hạng OCOP năm 2020 để tiếp tục nâng hạng sao, đồng thời lựa chọn 1 sản phẩm để hỗ trợ  phát triển đạt tiêu chuẩn và hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng đánh giá phân hạng 5 sao (Homestay 99 ngọn núi) và nâng cấp 5 sản phẩm từ hạng 3 sao nâng lên hạng 4 sao.

Homestay – Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can đạt OCOP 3 sao

Mục tiêu đến 2025 các sản phẩm chủ lực là đặc sản địa phương tham gia đánh giá phân hạng là 24 sản phẩm tham ra OCOP, trong đó khuyến khích ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm ngành thực phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ và trang trí để gắn với các hoạt động dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Phát huy thế mạnh về diện tích rừng, huyện Lâm Bình đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số tiêu chí đạt chuẩn bình quân từ 14,4 tiêu chí/xã năm 2020 lên 15,5 tiêu chí/xã trong tháng 5 năm 2021. Thời gian tới, huyện Lâm Bình tiếp tục nâng cao các sản phẩm đã tham gia OCOP và phát triển các sản phẩm đăng ký mới; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn về chính sách hỗ trợ, thủ tục đăng ký nhãn hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đã xếp hạng, nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, giúp các doanh nghiệp, các Hợp tác xã và người dân có thu nhập ổn định; góp phần thực hiện các khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.

Bài, ảnh: Trung Kiên/lambinh.tuyenquang.gov.vn

Tin cùng chuyên mục